Truyện ngắn: Nỗi lòng người lái đò

09:11, 13/11/2022

"Cô Hà, cô dạy con tui kiểu gì mà đến hôm nay thằng nhỏ vẫn không biết đọc chữ. Đã hết một học kỳ rồi còn gì. Cô có biết dạy học không? Không biết dạy thì xin nghỉ việc đi".

 

TUYẾT LUÔN VÕ

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng

“Cô Hà, cô dạy con tui kiểu gì mà đến hôm nay thằng nhỏ vẫn không biết đọc chữ. Đã hết một học kỳ rồi còn gì. Cô có biết dạy học không? Không biết dạy thì xin nghỉ việc đi”.

“Chị bình tĩnh đi ạ, nhóc Thiện tiếp thu chậm hơn những bạn khác cho nên em cũng đã cố gắng kèm cho em ấy rất nhiều. Hiện tại em ấy có thể đánh vần được rồi đó chứ”.

“Cô giỡn với tui hả, em họ thằng Thiện cũng học lớp một mà vô học mới vài tháng là người ta biết đọc báo rành mạch luôn rồi kìa. Còn thằng Thiện lập bà lập bập đánh vần. Cô dạy học trò kiểu vậy đó hả? Tui không muốn nói nhiều với cô nữa, tui sẽ gặp hiệu trưởng khiếu nại cô. Tui cũng không muốn cô dạy con tui nữa. Con trai đi về, mẹ sẽ xin con qua lớp khác”.

Hà thẫn thờ nhìn hai mẹ con họ ra về mà vẫn chưa hiểu được mình làm sai điều gì. Năm nay là năm đầu tiên Hà đứng lớp dạy học sinh lớp một trong 5 năm đứng trên bục giảng. Hà biết dạy cho các em lớp một có rất nhiều điều khó khăn hơn các em lớp trên rất nhiều, nhưng Hà tin tưởng chỉ cần bản thân cố gắng thì sẽ làm tốt.

Trong bất kỳ một lớp học nào cũng có nhiều dạng học sinh. Có em có tư chất thông minh, chỉ cần nghe giảng qua vài lần các em đã hiểu và nắm được những gì thầy cô truyền dạy và thể hiện rất tốt. Nhưng cũng có những em đặc biệt chậm hiểu và khó tiếp thu. Phải nói đi nói lại nhiều lần, cầm tay nắn nót từng nét thì các em mới làm được. Do không có em nào giống em nào cho nên thầy cô giáo viên phải có những cách chỉ dạy riêng cho từng dạng học sinh. Và Hà cũng áp dụng theo quy tắc này.

Nhóc Thiện thuộc vào dạng khó tiếp thu và chậm hiểu cho nên Hà phải dạy thêm cho nhóc Thiện rất nhiều. Giờ nghỉ trưa đáng ra Hà có thể về nhà nghỉ ngơi nhưng Hà vẫn ở lại trường, và chờ đến khi nhóc Thiện vừa ngủ trưa dậy. Hà đã bắt nhóc Thiện ra một góc và kèm cặp riêng. Thậm chí thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ, Hà cũng chạy vào trường và hẹn nhóc Thiện lên lớp để tiếp tục dạy thêm cho em ấy. Để em ấy có thể theo kịp bạn bè.

“Cô Hà đừng buồn, mẹ bạn Thiện nổi tiếng ngang ngược vậy á. Cả xóm em ai cũng hổng thích dì ấy. Mỗi lần dì ấy về quê là cả xóm lại có chuyện”. Nhỏ Hương ngồi cạnh nhóc Thiện bước đến nắm tay Hà an ủi.

“Ngang ngược? Ai dạy em từ này vậy? Em có hiểu ngang ngược là gì không?” Hà giật mình hỏi nhỏ Hương.

“Dạ hông. Tại em nghe mẹ em hay nói mẹ bạn Thiện vậy đó nên em nói theo”. Nhỏ Hương cười gãi đầu.

Hà mỉm cười đưa tay véo má nhỏ Hương một cái. Nhỏ Hương và nhóc Thiện là bạn bè cùng xóm, nhà chỉ cách nhau mấy căn cho nên biết rất rõ về nhau là phải. Vừa rồi Hà thật sự rất buồn vì lần đầu tiên gặp phải tình huống này. Có lẽ Hà cần phải xem xét lại chính mình. Có phải cách dạy của Hà đã sai ở đâu rồi không?

“Cô Hà, cô Hà. Mai mốt cô đừng dạy kèm cho bạn Thiện nữa. Để bạn ấy dốt luôn đi, cô dạy cho một mình con thông minh lên thôi. Cuối năm cho một mình bạn Thiện ở lại lớp luôn cho biết”. Nhóc Toàn cũng đứng lên giành phần an ủi cô giáo Hà với nhỏ Hương.

“Toàn lại cô nói nghe nè. Học chung với bạn một năm, sang năm sau không được học chung nữa em không thấy buồn sao”.

“Không buồn đâu ạ. Thiện cũng vẫn ở trong cái trường này mà. Giờ ra chơi, hay tan học cũng nhìn thấy nhau thôi”.

“Nhưng lỡ như để bạn ở lại lớp, bạn xấu hổ nghỉ học luôn thì sau này làm sao em gặp lại bạn ở trường nữa”.

“Ừ nhỉ. Vậy thôi cô buồn một chút thôi, lát em về kêu mẹ đem cho cô ly trà sữa uống nha”.

Hà bật cười vì sự hồn nhiên của nhóc Toàn. Nhìn thấy cô cười Toàn với Hương cũng như các bạn nhỏ trong lớp cũng vui vẻ trở lại.

***

“Thưa mẹ con vừa đi làm về”.

“Hôm nay con sao vậy? Ở trường có chuyện gì không vui sao?”

“Dì Hà bị phụ huynh đến lớp mắng cho một trận đó bà ngoại”. Nhỏ Hân chạy đến bên cạnh mẹ của Hà mách lẻo.

Hà trừng mắt với nhỏ Hân, nhỏ lè lưỡi rồi chạy biến về phòng. Nhỏ Hân là con gái của chị Hà, nhỏ đang học lớp bốn. Hà cũng không biết vì sao nhỏ lại biết chuyện này.

“Chuyện thế nào? Tại sao phụ huynh lại mắng con? Chẳng lẽ con đánh con người ta hả? Mẹ đã dặn con biết bao nhiêu lần rồi. Phụ huynh bây giờ không phải như thời trước dễ dàng cho giáo viên dạy dỗ bằng đòn roi con của họ đâu”.

Mẹ Hà cũng là giáo viên nhưng hiện tại bà đã về hưu. Bà luôn cho Hà những lời khuyên hữu ích về kinh nghiệm giảng dạy.

Hà thở dài, từ khi ra trường đứng lớp dạy bọn trẻ đến hiện tại Hà chưa từng dùng đòn roi với bất kỳ một học sinh nào. Hà luôn tự nhủ xem những bạn nhỏ là em là người thân của mình mà dạy dỗ. Dành hết sự yêu thương và kiên nhẫn cho các em. Mỗi khi bọn trẻ không nghe lời hay làm sai điều gì. Hà thường dùng cách phạt không cho ăn quà vặt khi vào lớp. Tất cả các bánh kẹo của các em sẽ bị Hà tịch thu. Hà thường lên mạng tìm hiểu những cách dạy học tốt để áp dụng cho những học sinh của mình. Chính vì vậy các em học sinh sau khi học hết lớp với Hà chuẩn bị chuyển lên lớp trên đều tiếc nuối, muốn được tiếp tục ở lại học với Hà.

“Phụ huynh nói con không biết dạy dỗ con của họ. Dạy làm sao mà đến bây giờ vẫn chưa đọc chữ được bằng các em khác. Mẹ à! Có phải kinh nghiệm của con còn yếu kém quá không?”, Hà buồn bã hỏi mẹ.

Mẹ Hà thẫn thờ rồi thở dài nắm tay con gái. Con gái bà tốt nghiệp sư phạm đạt loại giỏi, tính cách lại rất kiên nhẫn và điềm tĩnh. Bà từng nghĩ Hà theo nghiệp giáo viên của bà là điều rất thích hợp. Bằng chứng là sau bốn năm Hà đứng lớp dạy học, học sinh lớp của Hà đạt loại giỏi rất nhiều. Đồng nghiệp của Hà ở trường cũng thường khen Hà với bà mỗi khi đến nhà chơi. Tuy nhiên, năm nay Hà nhận dạy lớp một, lớp vỡ lòng dự sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đầu năm học, bà cũng động viên Hà cố gắng nhưng bà không ngờ lại có ngày Hà gặp phải trường hợp khó xử này. Có lẽ Hà đang rất buồn và suy sụp tinh thần.

“Con gái à! Giáo viên được ví như người lái đò con biết không? Người lái đò muốn đưa được người bình an qua sông là cả một quá trình cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Bởi vì không phải lúc nào con sông cũng êm đềm, thỉnh thoảng cũng gặp sóng to gió lớn. Thậm chí có vài hành khách nghịch phá làm con đò ngả nghiêng. Đá thử vàng, gian nan thử sức. Cố gắng lên con nhé!”

Hà lập tức ôm lấy mẹ mình, gục đầu trên vai bà thì thầm:

“Mẹ! Con ước gì phụ huynh nào cũng hiểu được tấm lòng và sự cố gắng của con”.

***

“Thiện, dậy đi học con. Sắp trễ giờ rồi”.

“Ngoại đi ra ngoài đi để con ngủ. Mẹ nói hôm nay con không cần đi học nữa mà”.

“Tại sao không đi học? Con bệnh hả?” Bà Lệ đặt tay lên trán nhóc Thiện kiểm tra thử “đâu có nóng”.

“Mẹ nói cô dạy dở quá để mẹ lên trường cho con đổi giáo viên khác. Mà bà ngoại ra ngoài hỏi mẹ con đi, con muốn ngủ mà”, Nhóc Thiện lèm bèm.

Bà Lệ nhíu mày rồi đi ra nhà trước tìm Nga, mẹ của Thiện hỏi cho ra lẽ. Bà biết cô giáo Hà rất yêu thương học trò lại còn rất nhiệt tình dạy dỗ. Nhóc Thiện kém thông minh, chậm chạp hơn mấy đứa nhỏ con nhà khác, cha mẹ đi làm xa không có ở bên cạnh kèm cặp. Bà thì không biết chữ cho nên cũng đành nhờ vả hết cho cô Hà.

“Tại sao bây lại cho thằng Thiện nghỉ học? Còn chê cô Hà dạy dở là thế nào? Bây có biết cô Hà rất khổ sở với con của bây không? Thứ bảy, chủ nhật đáng lẽ người ta được nghỉ nhưng còn phải kèm thêm miễn phí cho con của bây đó”, vừa nhìn thấy Nga đang ngồi bấm điện thoại, bà Lệ tức giận lên tiếng.

“Mẹ nói cái gì? Thứ bảy, chủ nhật còn bắt thằng Thiện đi học nữa hả? Dạy nhiều như vậy mà thằng nhỏ không đọc được. Cô ta không dạy dở chứ gọi là gì?”, Nga tức giận cãi lại.

“Vậy sao bây không nghĩ là thằng Thiện nó kém thông minh, chậm hiểu, khó dạy hơn con người ta. Nếu bây giỏi thì bây thử dạy nó một ngày đi”, bà Lệ bỏ lại một câu rồi đi luôn ra nhà sau.

***

“Thiện, con học hành kiểu gì vậy hả? Đầu óc con để ở đâu? Tại sao mẹ dạy mấy lần rồi mà con không hiểu? Không nhớ là sao hả?”

“Ngoại ơi! Mẹ đánh con” .

“Khóc cái gì mà khóc. Dạy có mấy chữ nãy giờ mà vẫn không nhớ, con ăn cái gì mà con dốt dữ vậy Thiện. Để mẹ đánh cho con khôn ra”.

“Ngoại ơi!”, Nhóc Thiện khóc nức nở.

Bà Lệ từ nhà sau chạy lên, hốt hoảng kéo nhóc Thiện ra.

“Bây làm gì vậy hả? Tại sao lại đánh nó? Có gì thì từ từ nói không được hả?”

“Con đánh cho nó khôn ra, con với cái dạy biết bao nhiêu lần có mấy chữ mà cũng không nhớ”, Nga tức giận thở hổn hển.

“Chẳng phải bây chê cô giáo Hà dạy dở sao, bây giờ thì sao, vừa dạy một chút mà đã tức giận muốn đánh đập thằng nhỏ. Bây thử hỏi thằng Thiện xem cô giáo Hà đánh nó lần nào chưa?”

“Cô Hà hiền lắm. Cô Hà không có đánh con như mẹ đâu”, Nhóc Thiện vừa khóc vừa nói.

Nga sững sờ rồi lúc này mới nhận ra sai lầm của mình. Nga chỉ vừa dạy thằng Thiện một chút đã tức không chịu được. Vậy cô giáo Hà thì sao? Chẳng có giáo viên nào muốn học trò của mình tệ hết đúng không?

***

Sáng thứ sáu vừa vào lớp nhóc Thiện đã đi thẳng đến bàn giáo viên đưa một phong bì cho Hà.

“Cô ơi! Mẹ em kêu em đưa cô cái này ạ”.

“Cái gì trong này đây?”

“Em không biết ạ”.

Hà nghi ngờ thử mở phong bì ra, bên trong là một tờ giấy trên đó có mấy dòng chữ.

“Gửi cô giáo Hà, cho tui xin lỗi cô vì chuyện hôm trước. Nhờ cô tiếp tục nhiệt tình dạy dỗ cho Thiện. Tui cảm ơn cô nhiều lắm. Chúc cô lễ nhà giáo vui vẻ”.

Hà mỉm cười siết chặt tờ giấy rồi liếc nhìn nhóc Thiện đang ngồi bên dưới. Có lẽ đây là món quà ý nghĩa nhất cô nhận được vào ngày lễ nhà giáo.

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh