Nghe tiếng con Na sủa dồn, bà Chín hai tay đang chắt nước nồi cơm, ngoái đầu ra cửa, miệng không ngớt la con chó:
THANH HUYỀN
Nghe tiếng con Na sủa dồn, bà Chín hai tay đang chắt nước nồi cơm, ngoái đầu ra cửa, miệng không ngớt la con chó:
- Na! Na! Vô nhà!
Bà Chín lên tiếng cho khách yên tâm, chớ bà biết ý con Na. Nó hiền lắm. Bà nuôi nó đến nay cũng đã chục năm, ngay cả khi bà xin con mèo bé tí về nuôi trong nhà, con Na cũng tỏ ra thân thiện. Nó chỉ đố kỵ có mỗi loài chuột, khi thấy con chuột nào chạy vụt qua là nó rượt cho bằng được. Bởi vậy bà Chín rất mến con vật trung thành này.
Nghe tiếng bà Chín, con Na thôi không sủa, nó ngoe nguẩy cái đuôi ngăn ngắn rồi đi vào nhà ngước mắt nhìn bà Chín. Bà đặt lại nồi cơm trên bếp, gạt bớt lửa chỉ chừa một ít than ước chừng đủ cho cơm chín tới. Bà vỗ nhẹ đầu con Na,vội vàng bước ra cửa. Bà nheo mắt, lấy tay che trước trán, hỏi:
- Có chuyện chi không cháu?
- Dạ, bà Chín cho con gửi cái thư mời, mai tám giờ họp ở trụ sở ấp nhe bà Chín!
Bà Chín nhận thư rồi đi thẳng lại đầu tủ thờ lấy cái kính lão. Bà nằm trên chiếc võng, thủng thẳng mở thư ra xem. Con Na nằm khoanh dưới chân bà, lim dim đôi mắt.
Bà Chín không đi học ở trường nhưng bà cũng biết đọc, biết viết nhờ mấy anh, chị của bà chỉ dạy. Để đọc hết cái thư từ đầu tới cuối bà mất rất nhiều thời gian vì bà đọc rất chậm. Nhiều lần đọc thư mời, bà rút được kinh nghiệm. Phần chính của thư mời nằm ở đoạn giữa, bà chỉ cần đọc nội dung, thời gian, địa điểm là đủ. Thời gian, địa điểm thì cháu đưa thư đã nói rồi “mai tám giờ họp ở trụ sở ấp”, còn nội dung là điều bà cần biết. Miệng bà lẩm bẩm: “Nội- dung- họp- dân- bàn- việc- kéo- điện- về- địa- phương”. Bà ngồi bật dậy, kêu lên:
- Thật không vậy Trời!
Con Na cũng giật mình mở mắt, nó đứng bật dậy, vươn dài hai cái chân sau rồi đứng đối diện chủ nhà, đưa mắt nhìn vẻ mặt khác lạ của bà. Con Na thấy đôi mắt bà chớp chớp rất nhanh, khi dừng lại thì tròng mắt ươn ướt, rồi có giọt nước từ từ trào ra khóe mắt bà. Con Na dụi dụi đầu vào chân bà, một cử chỉ thân thiện của nó đối với chủ nhà khi bà Chín có chuyện không vui.
Nhưng con Na đâu biết biểu cảm của con người, khóc không hẳn là buồn. Bà Chín đang vui đó chứ! Bà lấy tay áo quệt ngang mắt rồi cười xòa xoa đầu con Na:
- Sắp tới cù lao mình có điện rồi, sung sướng rồi nhen Na!
Bà bước vội lên nhà trên, đến bàn thờ cha mẹ đốt nhang khấn vái:
- Tía má ơi, quê mình sắp có điện rồi đó! Niềm ao ước của tía má có thật rồi, tiếc là tía má không còn.
Bà nhìn thật lâu vào di ảnh của cha mẹ, đôi mắt song thân bà buồn quá. Đôi mắt mà từ lúc bà mới lớn, biết cảm nhận về cái xấu, cái đẹp cho đến khi cha mẹ khuất núi, lúc nào đôi mắt ấy cũng nhìn bà với nỗi niềm xót thương, hối hận.
ð
Mặt trời lặn khuất sau rặng bần. Từng đàn gà kéo nhau về chuồng. Bé Hai í ới gọi mấy đứa em còn đang chơi trốn tìm vào nhà. Trời chạng vạng, chúng lại trốn ngoài đống rơm, bụi chuối, vựa củi, … những nơi ấy thường là chỗ ẩn núp của rắn, rết rất nguy hiểm. Tía, má căn dặn hoài mà có đứa nào nghe, tụi nó khi chơi rồi thì mắc ngây quên trời sớm tối. Tiếng thằng Bé Tư trì hưỡn:
- Chút xíu nữa chị Hai, em kiếm được thằng Bé Năm rồi, còn thằng Bé Sáu không biết nó núp chỗ nào?
Bé Hai cầm cây roi xăm xăm lại đống rơm:
- Nghỉ chơi đi! Bé Sáu ra chưa hay là muốn ăn roi?
Bé Sáu từ trong bụi chuối chạy vụt ra, rồi cả ba đứa cùng chạy ùa vào nhà. Bé Hai đi sau tay vẫn cầm cây roi đe dọa, vẻ mặt hậm hực, coi cũng oai quyền lắm lắm.
Tía, má thương Bé Hai lắm, đúng là “ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”. Má sinh liền tù tì, đứa này tuổi Tỵ thì đứa kia tuổi Mùi. Bé Hai rồi đến Bé Ba,… bây giờ đã là Bé Chín (chín tháng tuổi), định đặt tên Bé Út nhưng chắc gì đã thôi, có người còn sinh tới thứ mười bốn, mười lăm. Nghĩ mà ngán. Thật ra má có ham chi con đông, mỗi lần đau đẻ là một lần “chết đi sống lại”, nhưng không biết phải làm sao! Ông bà xưa cũng vậy chứ đâu ai có “bí kíp” gì đâu mà truyền lại. Bé Hai sáu tuổi là biết trông em, tám, chín tuổi làm tất cả công việc nhà mỗi lần má đi sanh em bé. Hàng xóm lại nhà thấy con bé tấm tắc khen: “Con nhỏ đẹt ngắt mà nhanh nhẹn, giữ em, nấu cơm, giặt đồ gọn khô. Giỏi thiệt!”.
Nhà khó khăn, con đông, tía, má hết ngoài ruộng, vườn thì xuống sông chài lưới tìm kiếm cái ăn. Bé Hai ở nhà trông em. Ngoại trừ hai đứa em kế lúc đó Bé Hai còn nhỏ chỉ chơi với em, đến đứa thứ ba là Bé Hai biết chăm sóc em rồi. Nó chăm em “rành” đến nỗi em bé phát triển đến giai đoạn nào nó cũng biết, 4-5 tháng thấy em nghiêng nghiêng cái mông là biết em sắp lật, trườn, 6-7 tháng em hơi nóng sốt, khóc nhè là biết dấu hiệu em sắp mọc răng, ăn giặm. Những lúc ấy Bé Hai cũng biết lấy khăn nhúng nước cho ráo rồi lau cho em bớt khó chịu, bớt khóc. Bé Hai cho em ăn giặm rất “chuyên nghiệp”. Ở thôn quê nghèo khó, sữa là một thức uống xa xỉ chẳng gia đình nào dám mơ tới. Đến tuổi ăn giặm, mới đầu cũng chỉ là tập cho em bé uống nước cơm pha chút đường, sau đó tập em ăn cơm nghiền. Bé Hai nấu cơm, trước khi chuẩn bị chắt nước cơm, Bé Hai múc một ít cơm (còn nước) cho vào cái chén riêng. Chắt nước cơm xong, Bé Hai lấy chén cơm để lại vào giữa nồi cơm, đậy nắp lại. Khi nồi cơm chín, phần cơm trong nồi ráo nước để người lớn ăn, nhưng phần cơm trong chén thì chín, nhão để em ăn giặm. Bé Hai chan tí nước cá kho, bỏ vô ít thịt cá đã gỡ xương kỹ càng, dùng muỗng nghiền cơm và cá cho nát nhuyễn quyện vào nhau, đút cho em tập ăn. Bằng cách này, em rất mau biết ăn và cứng cát.
Mười sáu tuổi, là chị của bảy đứa em, Bé Hai vất vả với năm thằng em trai liên tục. Bé Ba giờ lớn một chút, ngoài lúc đi học còn biết phụ tía đi ruộng, đi chài lưới, còn lại sàn sàn một lứa đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Lúc chúng nó giỡn thì leo trèo, chạy nhảy đùng đùng, chơi trò mạnh tay mạnh chân, cười nhiều mà khóc cũng nhiều, những lúc đau khóc thì méc chị Hai phân xử. Bé Tám, Bé Chín là gái. Bé Tám được hơn hai tuổi, còn Bé Chín mới được chín tháng. Tối, năm thằng con trai ngủ chung một giường, Bé Hai ngủ với Bé Tám, tía má ngủ với Bé Chín.
Hồi chiều con heo nái có dấu hiệu sắp đẻ. Tía đem rơm bỏ vào chuồng cho nó nằm nhưng chỉ được một lúc là nó lại đứng lên, đi quanh quẩn năm ba bước rồi lại nằm xuống, cắn phá máng ăn, cắn phá và hất tung rơm rạ lót trong chuồng. Má kêu Bé Hai tối nay dỗ Bé Chín ngủ, tía má thức đỡ đẻ cho heo.
Vô tới cửa nhà, Bé Hai quăng cây roi vào đống củi trước sân, ra lệnh:
- Rửa mặt mày, tay chân cho sạch sẽ rồi lên giường đi. Đứa nào có bài thì lấy ra học. Con heo sắp đẻ rồi, không có giỡn la om sòm nó nín đẻ đó nhe!
Mấy đứa em răm rắp làm theo, mỗi đứa lấy hai chiếc dép, không cần phải đúng đôi, chiếc đực chiếc cái, chiếc lớn chiếc nhỏ, chỉ để mang đỡ chút xíu buổi tối lên giường cho sạch sẽ, sáng lại thì ai ai cũng chân đất.
Bé Hai ẵm em bé qua ngủ với mình và Bé Tám, Bé Ba dạy kèm cho Bé Năm đang học lớp bốn, Bé Tư dạy cho Bé Sáu đang học lớp hai, Bé Bảy chưa đến tuổi đi học. Nhìn mấy anh đọc đọc, viết viết, Bé Bảy cũng chẳng chịu ngồi yên, nó rình lấy cây viết chì của Bé Sáu rồi vẽ rồng vẽ rắn vào tập anh, bị phát hiện, hai đứa giành giật nhau la chí chóe. Bé Hai vội đem cả Bé Bảy vô mùng mình dỗ dành để cho mấy em khác học.
Bé Hai chịu nhiều thiệt thòi, chị cả em đông nên chỉ học hết lớp một biết được “mặt chữ” thì nghỉ ở nhà phụ tía, má. Nhà chỉ có Bé Ba và Bé Tư học hết lớp Năm. Trường gần nhà cũng chỉ dạy hết cấp một, nếu muốn học cấp hai phải đi xa và đường đến trường khó khăn vô cùng, vậy nên trẻ con xứ này học đến lớp năm là dừng lại.
Ngoài chuồng, con nái đẻ được bốn con rồi. Theo kinh nghiệm, má nhìn bụng của nó phải trên chục con chứ không ít. Má “có tay” nuôi heo nái lắm, đẻ sai mà con tốt, khỏe mạnh nữa. Má nói con vật cũng như con người, hễ là con cái thì phải sinh đẻ mới duy trì nòi giống, nhưng con người mỗi lần sinh có một con mà đau thấu trời, còn con heo sinh một lần mười mấy con, thấy tội cho nó quá. Má chăm sóc con nái rất kỹ, từ lúc phối giống cho đến đẻ con, mà thương nhất là lúc nó đẻ, nằm thở ì ạch, gặp con nào đẻ thuận thì còn nhanh, nếu đẻ khó thì cũng phải vài tiếng đồng hồ mới xong.
- Được mấy con rồi má?
Trời tối om, ngọn đèn dầu chỉ đủ chút ánh sáng chỗ heo nằm, Bé Hai đứng sát chuồng heo lúc nào tía, má chẳng hay.
- Được bốn con rồi, sao nó dừng lại lâu quá. Em ngủ rồi hả?
- Bé Tám với Bé Chín ngủ rồi. Con ẵm Bé Tám đưa qua giường má cho rộng bị vì thằng Bé Bảy nó “quậy” mấy anh nó học không được, con đem nó vô mùng ngủ chung với con và em bé, mà nó còn thức.
- Thôi vô coi tụi nó ngủ đi, con heo này đẻ khó chắc tới khuya mới xong à!
Má nói chưa dứt tiếng, nghe trong nhà nhiều tiếng la thất thanh:”Cháy mùng! Cháy mùng!”.
Tía, má và Bé Hai chạy vội vào nhà, thấy Bé Ba, Bé Tư đang cầm cái mền đập lia lịa vào cái mùng em bé đang ngủ. Má chạy nhanh về phía giường em bé, ngay lúc tía cũng vừa kịp lấy cái bao bố tời nhúng vào lu nước chụp vào đám lửa. Má bồng em bé ra, em khóc ngất, mặt, cổ em bị bỏng nặng. Tía nhanh nhảu thảy hai bó lá dừa bằng ôm tay xuống xuồng, má ngồi ẵm em bé, Bé Ba ngồi trước xuồng cầm đuốc rọi đường cho tía chèo. Qua con sông rộng gần ba cây số mới có chợ nhỏ, bên đó mới có thầy thuốc chữa trị. Đêm tối vắng lặng, tiếng khóc của Bé Chín nghe xé lòng. Tía là dân chài, việc chèo xuồng quen thuộc như cơm bữa, bây giờ dùng hết sức lực để chèo mà sao cảm giác xuồng nặng trịch, trôi đi chậm quá.
Má chẳng có gì dỗ dành Bé Chín ngoài bầu sữa nóng. Má đưa vú vào miệng em, nó mới vừa ngậm thì lại nhả ra khóc lớn. Má định kêu Bé Ba đem cây đuốc lại gần cho má thấy cái miệng em rõ một chút, xem coi phỏng nhiều hay ít, nhưng tự dưng má ám ảnh ngọn lửa nên thôi. Má cố gắng dỗ dành, khóc một lúc, em đã thấm mệt và có lẽ bớt đau, em chịu ngậm vú má bú no rồi từ từ chìm vào giấc ngủ.
ð
Bé Hai nhìn mấy đứa em mặt tái mét. Nó cũng vậy, vẻ mặt thất thần. Nó gọi mấy đứa em lại hỏi lý do.
Bé Tư nói:
- Anh Ba và em đang dạy Bé Năm và Bé Sáu học bài, tự nhiên nghe tiếng thằng Bé Bảy la lên, nhìn qua thấy cháy mùng.
Bé Hai nhìn Bé Bảy:
- Em đem đèn vô mùng làm gì?
Bé Bảy lí nhí:
- Em kiếm cục kẹo si-gum này nè!
Vừa nói Bé Bảy vừa xòe bàn tay đưa ra cục tẩy nửa đỏ, nửa xanh, hai đầu cục tẩy có nhiều vết cắn nham nhỡ.
Bé Sáu giựt lấy cục tẩy:
- Hèn gì nãy giờ tao kiếm không gặp. Cái này là cục tẩy chứ có phải cục kẹo đâu mà ăn!
Bé Bảy cúi mặt nhìn xuống đất như một kẻ biết lỗi. Trong tâm trạng sẵn sàng chờ đợi sự trừng phạt của chị Hai, nó cũng nhận thức được lần này lớn chuyện, chắc là no đòn. Nó không dám ngước nhìn chị Hai, nhưng trong đầu nó hiện lên hình ảnh chị Hai xăm xăm đi ra đống củi trước sân lấy roi dọa đánh mỗi khi em phạm lỗi. Nhưng chị Hai không như thường ngày, chị im lặng và không la rầy nó tiếng nào. Nó lấm lét nhìn chị Hai, chờ đợi …
Bé Hai kêu em vô mùng ngủ, thổi đèn. Mấy đứa em nằm im, không đứa nào đùa giỡn. Đêm tối mịt, tĩnh lặng. Bé Hai thấy lòng dằn vặt, không biết tía chèo tới chợ chưa? Bé Chín ơi em có sao không? Lỗi tại chị! Phải chi… Phải chi… Nước mắt nó tuôn dài.
Hai ôm lá dừa dùng để làm đuốc đã hết, nhưng cũng không cần thiết nữa. Một vùng ánh sáng trắng tỏa ra từ những bóng đèn neon, đó là chợ. Tía cứ nhắm hướng ánh sáng trắng mà chèo tới. Bé Ba lấy cây dầm bơi phụ với tía. Xuồng cập bến nhà sàn của ông thầy Sáu khoảng tám giờ tối. Giờ này ở chợ còn nhộn nhịp. Gánh hát lô tô sôi động một góc chợ. Thanh niên nam nữ còn tụ tập đàn hát ở mấy cái quán cóc cạnh bờ sông. Người già không thích ồn ào nằm nhà xem truyền hình giải trí.
Thầy Sáu ngoài sáu mươi tuổi, ông bị tật một chân do di chứng của trận sốt bại liệt từ nhỏ. Cái chân bị tật teo nhỏ hơn chân thường một tí, nhưng ông tự đi được không cần dụng cụ hỗ trợ. Do khuyết tật, di chuyển chậm chạp, nên khi học hết tú tài ông chọn nghề thầy thuốc. Ông theo học khóa y tá và mở phòng khám tại chợ nhỏ này. Ông rất tận tâm với bệnh nhân và ông rất yêu trẻ con. Thường em bé bệnh đến ông hay quấy khóc nhưng ông dỗ dành chứ không quát mắng. Mấy chị em của Bé Hai sổ mũi, ấm đầu đều qua ông trị bệnh. Tám đứa rồi nên tía, má đã là “người quen”của thầy.
Bé Ba cầm lấy dây xuồng bước lên bờ cột vào gốc cây trứng cá. Tía gác đôi chèo lên xuồng rồi hai tay vịn chặt vào trụ xi măng nhà sàn giữ cho chiếc xuồng được thăng bằng. Má ẵm em bé bước lên nhà thầy Sáu. Vừa thấy, thầy lên tiếng:
- Sao nhõng nhẽo giờ này?
Má vừa trả lời, vừa lấy tay mở cái khăn quấn em bé:
- Bị phỏng thầy ơi!
Em bé đang ngon giấc bị đánh thức, cơn đau trở lại, em khóc ngất.
- Trời ơi sao bất cẩn quá vầy nè! Thầy Sáu thảng thốt.
Thầy lấy thuốc rửa vết thương rồi băng bó những chỗ cần thiết. Thầy kêu tía, má đi liền lên nhà thương tỉnh vì thầy không có khả năng chữa trị những vết phỏng dầu hỏa sâu như thế.
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin