Canh lá mỏ quạ nấu cá đồng

Cập nhật, 13:51, Thứ Ba, 10/10/2017 (GMT+7)

 

Người ở quê thường nói “tiết nào rau nấy” hay “mùa nào thức nấy”. Chẳng hạn, vào đông tiết trời se lạnh là rau cải trời mọc xanh mướt, vào hạ thì ăn canh chua bông súng… Món dân dã có quanh năm để ta thưởng thức.

Giờ nhắc đến món ăn dân dã lại thèm tô canh lá mỏ quạ. Hồi ở quê, tôi thường được ăn canh mỏ quạ nấu cá đồng, cảm giác và mùi vị vẫn còn lại vì “miếng ngon nhớ lâu” mà. Bạn có lần thưởng thức canh mỏ quạ nấu cá đồng? Món tủ- món ăn tuyệt ngọt và bùi.

Tiết trời vào thu, ở mảnh vườn tạp của chú Út, những dây mỏ quạ vươn mình xanh tốt. Chú Út đãi chúng tôi món canh lá mỏ quạ nấu cá đồng. Lá mỏ quạ tươi xanh mang hình trái tim, chú đưa rổ cho chúng tôi hái lá. Còn chú thì ra kinh bắt cá. Những chùm hoa mỏ quạ trắng xinh xinh tỏa mùi thơm thoang thoảng đặc trưng.

Lá mỏ quạ hái về lặt bỏ cuống, rửa sạch đem xắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Cá rô, cá lóc đồng tươi roi rói vừa bắt ở kinh lên, đem làm và rửa sạch được luộc vào nồi nước sôi cho đến chín. Cá vớt ra để nguội rồi gỡ lấy thịt. Còn chú tôi thì luộc nguyên khúc cá. Khi ăn dùng đũa vẽ miếng thịt cá chấm nước mắm, ăn vậy mới ngon ngọt, hấp dẫn.

Đun sôi nồi nước luộc cá, cho lá mỏ quạ vào, cho cá đã ướp gia vị vào. Khoảng 5- 7 phút, lá mỏ quạ chín, nêm nếm vừa ăn và nhắc xuống là dùng được. Bạn đừng quên cho ít tiêu vào canh nhé! Vì tiêu sẽ bán vị tanh của cá, nước thêm vị ngọt cay.

Món này ăn nóng mới đúng vị. Ăn miếng cá đồng béo ngon, lá mỏ quạ bùi bùi; húp muỗng canh ngon ngọt mới cảm nhận hết được vị riêng của món ăn không lẫn vào đâu được. Ngọt lạ, khó tả.

Tô canh càng ngon trong không khí vui tươi và đầy thú vị gắn với loại dây leo này. Chú Út cho biết, khi trái mỏ quạ phát triển lớn đến một độ nhất định, đuôi trái mỏ quạ uốn cong lên giống cái mỏ của con quạ. Vì thế, dân gian gọi loại dây leo này là mỏ quạ.

Ăn canh mỏ quạ nấu cá đồng không chỉ ngon, thú vị mà còn “nhức” cả miền ký ức, nhớ “tràn” cái thời cá đồng nhiều không dứt, miền sông nước đầy ắp sản vật. Nó gợi nhớ những bữa cơm “dây mơ” và cá đồng.

Tôi đã hiểu vì sao người miền Tây khi xa quê lại thèm thuồng và “nhớ ơi là nhớ” món ăn gắn với sản vật miền sông nước đồng bằng.

Bài, ảnh: HỮU THẮNG