Xây dựng hình ảnh "người phục vụ" trong lòng nhân dân

Kỳ cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới

Cập nhật, 05:42, Thứ Năm, 18/05/2023 (GMT+7)
Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.
Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

(VLO) Cùng với việc quán triệt “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ các mặt của đời sống xã hội.

BCH Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình số 10-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, đặt ra phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Vì lợi ích trăm năm trồng người

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt”.

Bác trăn trở với chiến lược trồng người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng là: “hồng thắm” và “có đức”. Theo Bác, “hồng thắm” và “chuyên sâu”, “có đức” và “có tài” phải được kết hợp, quan hệ chặt chẽ với nhau.

Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài, không giúp ích gì được ai.

Ngược lại, “có tài” mà không “có đức”, có “chuyên sâu” mà không “hồng thắm” thì như anh kinh tế giỏi nhưng lại hay tham ô, thụt két, chỉ có lợi riêng cho anh ta, chẳng những không có ích gì cho xã hội, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Trong Chương trình số 10 của Tỉnh ủy, cùng với mục tiêu và lộ trình thực hiện cụ thể, còn định hướng chú trọng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và xác định: Đổi mới chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận với công nghệ mới, tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực kỹ năng số, từng bước phát triển lực lượng lao động số. Cùng với đó là tu dưỡng phẩm chất chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ông Võ Thanh Danh- Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho rằng: cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”, hay “để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”, phải xuất phát từ “cái gốc của mọi công việc”, đó là cán bộ và công tác cán bộ, bởi lẽ, “Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng”.

Mà để “trị tận gốc” tham nhũng, tiêu cực phải tiếp tục và tăng cường giáo dục liêm chính, đạo đức công vụ, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên tự phê bình và phê bình, có bản lĩnh vững vàng, vượt qua được những cám dỗ vật chất tầm thường, thực hiện tốt việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên theo quy định của Đảng. Đây mới thật sự là giải pháp căn cơ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Do vậy, “phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”- ông Võ Thanh Danh đặt ra yêu cầu.

Rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Đánh giá của Tỉnh ủy Vĩnh Long, qua 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Vĩnh Long đã trở thành việc làm nền nếp, thường xuyên; tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, trọng dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, giản dị, khiêm tốn, tận tuỵ, trung thực và liêm khiết. Qua đó, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm nhận định: Những kết quả tích cực đó góp phần đấu tranh có hiệu quả suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; góp phần tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng tỉnh phát triển bền vững, văn minh.

Nhiều vấn đề khó, bất cập trong công tác xây dựng Đảng đã được giải quyết có hiệu quả, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, yêu quê hương, ý thức trách nhiệm và mong muốn cống hiến, phụng sự Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân.

Thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện Kết luận số 01 vẫn còn không ít hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa thật quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát với thực tế, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lời nói, việc làm.

Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

Công tác đấu tranh các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; việc tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn làm qua loa, hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở một số nơi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên.

Từ nhận định: trong bối cảnh chung của cả nước có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó khăn, đặt ra nhiều vấn đề mới, phức tạp. Các thế lực thù địch tìm mọi cách tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ giữa Đảng với nhân dân, hòng lật đổ Đảng ta, chế độ ta.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Tình hình trên tác động nhiều đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà.

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới”.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh chỉ đạo: Tiếp tục phát huy vai trò những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc là những hạt nhân trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua ở cơ sở tạo bước đột phá phát triển kinh tế- xã hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để kịp thời cảnh tỉnh, răn đe đối với những tư tưởng, biểu hiện tiêu cực; đồng thời, khuyến khích, cổ vũ cán bộ, đảng viên suy nghĩ, hành động vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Tỉnh ủy và chuyên đề năm 2023, đề nghị: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu trong Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 178 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi tự sửa”, nghiên cứu học tập tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” và tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II

Quan điểm xây dựng con người mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân để đẩy lùi cái xấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao việc bồi dưỡng nhân tài, cán bộ cho tổ chức Đảng để xây dựng con người mới, nhân cách văn hóa cho cán bộ, đảng viên. Mà theo Bác, xây dựng cán bộ lãnh đạo là một công trình khoa học lâu dài. Những con người hồng thắm, chuyên sâu, có đức, có tài không phải tự nhiên có, mà là sản phẩm của một quá trình giáo dục, đào tạo và rèn luyện lâu dài, công phu.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN