Xây dựng hình ảnh "người phục vụ" trong lòng nhân dân

Kỳ 4: Hướng đến nền hành chính vì nhân dân phục vụ

Cập nhật, 12:56, Thứ Tư, 17/05/2023 (GMT+7)

 

Trung tâm Phục vụ hành chính công tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.

(VLO) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên thực hiện là tập trung cải cách hành chính (CCHC), nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo điều hành, phục vụ nhân dân.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 cũng chỉ rõ: “Tập trung CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển”. Đồng thời, đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện “Đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp”.

Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo

Với quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, các cấp chính quyền trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hướng tới xây dựng nền công vụ lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Long đi vào hoạt động vào năm 2019. Đây được xem là hạt nhân quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; tạo bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa nền hành chính.

Xác định “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” theo lời dạy của Bác Hồ, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của trung tâm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với phương châm lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ.

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Năm 2023, Vĩnh Long tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 và kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng đội ngũ đi đôi với đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, CCHC nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; giảm thời gian xử lý công việc cho công chức, viên chức; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa, dịch vụ; tạo môi trường hành chính công khai, minh bạch, trong sạch.

“Chi bộ đặt ra yêu cầu mỗi công chức, viên chức, người lao động tích cực rèn luyện tác phong, kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Qua đó, nhằm thực thi chế độ công vụ, có thái độ ứng xử đúng mực trong giao tiếp với người dân, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC, không gây khó khăn, phiền hà, hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, đúng quy định, tạo môi trường làm việc nền nếp, chuyên nghiệp”- ông Thanh cho biết.

Hiện đại, tiện ích, nhiệt tình, trả kết quả đúng hẹn là đánh giá của người dân khi đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Chú Bùi Văn Hai (xã Phú Quới, huyện Long Hồ) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến trung tâm, được các anh chị hướng dẫn làm hồ sơ rất tận tình và nhanh chóng.

Được ngồi trong trung tâm hiện đại, không khí mát mẻ, tôi rất vui và hài lòng vì được phục vụ tốt khi đến đây”. Còn chị Lê Thúy Vi (Phường 9, TP Vĩnh Long) “đã đến đây làm hồ sơ nhiều lần.

Tôi luôn được bảo vệ hướng dẫn bấm máy lấy số tự động để chờ lấy kết quả. Cán bộ làm hồ sơ hướng dẫn tận tình, giải quyết kịp thời, chu đáo. Quan trọng là hứa hẹn đúng ngày, giờ, không làm tốn công sức đi lại nhiều lần”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh- công chức Sở Công Thương làm việc tại trung tâm, niềm nở cho biết: “Trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 2.000 hồ sơ; trong đó có khoảng 90% hồ sơ trực tuyến thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại.

Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi đều giải quyết hồ sơ cho người dân đảm bảo trước và đúng hẹn. Học theo Bác, bản thân tôi luôn xây dựng hình ảnh người công chức thân thiện, hòa nhã, gần gũi, hết lòng vì nhân dân.

Luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc của người dân, để người dân không có tâm lý “ngán ngại” mỗi khi đến cơ quan nhà nước để giải quyết giấy tờ”.

Theo BCĐ CCHC tỉnh, chỉ số CCHC năm 2022 của các sở, ban, ngành tỉnh đạt kết quả cao và tương đối đồng đều, tỷ lệ trung bình đạt 93,61% (năm 2021 đạt 90,65%), có 15/18 đơn vị đạt trên 90%, khoảng cách điểm số giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng được thu hẹp hơn so với trước.

Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực CCHC còn gặp một số khó khăn, hạn chế cần giải pháp đồng bộ về cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ… để hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh không ngừng nâng cao từng chỉ số thành phần của các chỉ số PAPI, PAR Index, SIPAS, PCI…

Cải cách TTHC, đến gần với người dân hơn

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025, trước yêu cầu trong tình hình mới, công tác CCHC cần có những bước tiến mang tính đột phá, Vĩnh Long tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Nguyễn Chí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết: “Để cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp, huyện chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành; bố trí hộp thư góp ý và niêm yết đầy đủ tại trụ sở cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn nơi trực tiếp giải quyết TTHC để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Tập trung giải quyết TTHC cho người dân ở các lĩnh vực đúng thời gian quy định, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ tiếp xúc, dễ thực hiện, từng bước hướng tới nền chính quyền số”.

Tại TX Bình Minh, theo ông Nguyễn Văn Dân- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã, công tác CCHC đáp ứng yêu cầu phục vụ, đem lại sự hài lòng cho người dân không chỉ qua thứ hạng hàng năm, mà “những người thực thi công vụ tốt, trực tiếp là bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, sẽ quyết định đến cách nhìn của người dân về hình ảnh của bộ máy chính quyền trong lòng người dân”.

Theo đó, nhiệm vụ quan trọng tạo nên bước chuyển biến trong CCHC là củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức công vụ.

“Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, học tập nghị quyết… các phòng, ban thường lồng ghép nội dung quy định những điều đảng viên không được làm, bài học về đạo đức công vụ qua những mẩu chuyện kể về Bác, từ đó nhắc nhở mỗi đảng viên về tác phong, chuẩn mực trong giao tiếp với nhân dân”- ông Nguyễn Văn Dân cho biết.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhiệm vụ CCHC đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Đặc biệt với trách nhiệm “nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn chú trọng việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính từ nhân dân, thông qua các hình thức tiếp nhận đa dạng.

Cụ thể, trong năm 2022, hơn 61 trường hợp phản ánh, kiến nghị phát sinh trên hệ thống phản ánh kiến nghị Cổng dịch vụ công quốc gia đã được cơ quan có thẩm quyền trả lời kịp thời, đúng thời gian quy định và đã công khai kết quả đúng quy định.

Để người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng thường xuyên các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác CCHC nhà nước nói chung, kế hoạch CCHC hàng năm của UBND tỉnh nói riêng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương trong việc tham gia công tác tuyên truyền CCHC. Tiếp tục rà soát đánh giá, đơn giản hóa TTHC, giảm bớt giấy tờ, quy trình, thời gian giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực…

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Nghị quyết số 07-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Song song đó, theo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số của tỉnh phải gắn liền với CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp, các ngành.

Kỳ cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN