Tư tưởng Bác soi đường, Đảng cùng nhân dân tiến bước

Kỳ cuối: Chuyển biến mạnh mẽ từ "học tập" sang "làm theo"

Cập nhật, 06:09, Thứ Sáu, 19/05/2023 (GMT+7)
Khắc ghi lời dạy của Bác “HTX nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông”, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực đưa nông dân vào sản xuất tập thể.
Khắc ghi lời dạy của Bác “HTX nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông”, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực đưa nông dân vào sản xuất tập thể.

(VLO) Qua 18 năm, kể từ khi thực hiện Kết luận 39-KL/TW ngày 30/8/2005 của Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa IX về Triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay việc học và làm theo Bác được thực hiện hóa bằng những chương trình hành động, việc làm cụ thể, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”.

Mỗi điển hình tiên tiến học và làm theo Bác thực sự là “những bông hoa đẹp”, đang từng ngày vun góp, tạo ra “rừng hoa đẹp” cho đất nước nói chung và cho tỉnh nhà nói riêng.

Nông dân giàu, nông nghiệp thịnh

Bác Hồ từng nói: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”; “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, các địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực đưa nông dân vào sản xuất kinh tế tập thể thông qua thành lập HTX, tổ hội nghề nghiệp…

Với đặc thù người dân ấp Đục Dông (xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) chủ yếu sống bằng nghề nông, song người trồng lúa lại chịu áp lực lợi nhuận bấp bênh…

Trong khi những hộ lân cận chuyển từ trồng lúa sang cam sành thì ông Nguyễn Văn Đúng vẫn gắn bó với cây lúa và “làm vì đam mê”.

Ra riêng với 3,5 công ruộng, từ tình yêu với cây lúa và khắc ghi lời dạy của Bác “cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”, ông Đúng đã không ngừng học hỏi, chí thú làm ăn và… “cứ dành dụm tiền, ai bán đất thì mua” mà giờ ông có trong tay hơn 30 công ruộng.

Cơ duyên làm lúa giống của ông Đúng khởi phát từ việc “sạ lúa lâu năm, nên lúa bị lẫn”. Từ đó, ông chuyển qua cấy lúa tự phát, song “chủ yếu là làm cho sạch đất, nhưng bán lúa thịt”…

Được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp-PTNT) hướng dẫn, ông đã khéo léo làm công tác dân vận trong việc “rủ các hộ trong ấp cùng làm lúa giống”.

Để giúp hội viên nông dân xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, năm 2017, Hội Nông dân xã Thiện Mỹ vận động thành lập tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa giống chất lượng cao với 11 thành viên, diện tích 8,5ha, chủ yếu sản xuất lúa giống chất lượng cao: OM4900, OM5451, OM18... được Viện Lúa ĐBSCL đầu tư, bao tiêu sản phẩm.

Ông Đúng kể: Thời gian đầu, các thành viên sạ hàng lúa giống (10 kg/công), được mua với giá cao hơn lúa thường 500 đ/kg. Nông dân thu lãi 25 triệu đồng/ha thay vì 20 triệu đồng/ha như trước. Năm 2020, tổ hội tăng lên 13 thành viên, diện tích 11ha.

Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ 100% lúa giống, 20% phân bón; đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và hướng dẫn cấy lúa siêu nguyên chủng (5 kg/công). Tổ viên được bao tiêu với giá cao hơn thị trường 1.000 đ/kg.

Theo ông Đúng, khi chưa áp dụng mô hình, nông dân sạ lang với mật độ dày (20 kg/công), phát sinh nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc, bón phân nhiều, gây hại nguồn nước và thiên địch có ích, tác động đến môi trường và ảnh hưởng sức khỏe.

Đến nay, nông dân chỉ sạ hàng (10 kg/công) hoặc cấy lúa (5 kg/công). Mật độ vừa phải và sử dụng phân bón hữu cơ nên ít sâu bệnh.

Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến còn giúp cải tạo và bảo vệ đất lúa, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường.

Việc bao tiêu sản phẩm giúp nông dân yên tâm sản xuất, lợi nhuận mỗi vụ tăng lên 35 triệu đồng/ha thay vì 20 triệu đồng/ha khi chưa áp dụng mô hình. “Đây là tiền đề để tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao trong những năm tiếp theo”- ông Đúng nói.

Yêu thích cây cam sành, ông Nguyễn Tấn Phương (ở ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) đã dành thời gian tham dự nhiều lớp tập huấn, hội thảo… và tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè.

Vận dụng câu nói của Bác về “học đi đôi với hành”, ông ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất một cách bài bản, hiệu quả.

Năm 2005, ông Phương thuê 4 công đất trồng cam sành. Sau 4 năm, ông thu lợi nhuận hơn 800 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ cho gia đình, ông thuê 2ha đất và… tiếp tục nhân rộng qua từng năm lên 40ha. Những năm trước đây, huê lợi từ 20ha cam sành đạt hơn 10 tỷ đồng/năm.

Riêng niên vụ 2022-2023, mặc dù giá cam chỉ 4.000-9.000 đ/kg, nhưng 40ha cam đã đem về cho ông lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng.

Được các cấp chính quyền hỗ trợ, năm 2019, ông Phương vận động những người “cùng chí hướng” thành lập HTX Cam sành Phương Thúy Trà Ôn.

Hiện, HTX có 13 thành viên, vốn điều lệ gần 1,6 tỷ đồng. Thành viên được hướng dẫn sản xuất theo quy trình hữu cơ, trái cam sành được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, OCOP 3 sao… được HTX hợp đồng thu mua và đem bán ở các siêu thị, các chợ lớn trong nước.

Tiếng lành đồn xa, HTX được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến. Các đối tác tự tìm đến yêu cầu được làm đại lý phân phối sản phẩm của HTX thay vì trước đây phải bôn ba tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Qua đây, đã tạo thu nhập ổn định, giúp các thành viên yên tâm sản xuất, tránh bị thương lái ép giá. Hiện, HTX tiếp tục mở rộng và kết nạp thêm thành viên nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có, góp phần nâng chất tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng NTM.

Ông Phương đúc kết: Muốn xây dựng mô hình đạt chất lượng cao phải sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước hết, phải hạn chế thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu bệnh sinh học.

Đặc biệt, phải có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi. Cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các đoàn thể vận động, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó là sự tìm tòi học hỏi của bản thân, thì mô hình sẽ thành công.

Xây dựng văn hóa, con người thời kỳ mới

Đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ và xã hội.

Việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới”, đã góp phần tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển bền vững, văn minh.

Từ phong trào học tập và làm theo Bác, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, thật sự có sức lan tỏa trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần yêu nước, yêu quê hương, ý thức trách nhiệm và mong muốn cống hiến, phụng sự Tổ quốc trong mọi tầng lớp nhân dân, cổ vũ toàn thể nhân dân hăng hái, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Vĩnh Long văn minh, giàu đẹp.

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó sự ra đời, tồn tại và phát triển kinh tế hợp tác, HTX là tất yếu khách quan.
Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó sự ra đời, tồn tại và phát triển kinh tế hợp tác, HTX là tất yếu khách quan.

Trong tất cả các nguồn lực để phát triển thì nguồn lực con người Việt Nam là quan trọng nhất. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cơ sở để Đảng và nhân dân ta xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm cho biết: Theo Kết luận 01 của Bộ Chính trị thì trong điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị, hàng năm chọn chủ đề phù hợp với điều kiện thực tế tổ chức quán triệt, học tập.

Với tinh thần đó, năm 2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn chủ đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Vĩnh Long trong thời kỳ mới”.

Bởi vì, phát triển văn hóa là vấn đề chiến lược, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực để phát triển bền vững đất nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Phát triển văn hóa cũng là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ mong muốn: Công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới…

Hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang lấy ý kiến ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 01 của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Tỉnh ủy và chuyên đề năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đã có những lưu ý rất cụ thể, trong đó cần tiếp tục phát huy vai trò những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc là những hạt nhân trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua ở cơ sở.

Từ đó, tạo bước đột phá phát triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Cùng với đó, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu tự hoàn thiện tư cách, đạo đức của mỗi cá nhân, vừa là yêu cầu đối với toàn xã hội, cảm hóa đến mọi người xung quanh.

Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn: “Việc học tập và làm theo Bác tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững”.

Khắc phục “3 không, 2 sợ” và thực hiện tốt “3 phải”

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm: Thời gian tới, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo”, hiện thực hóa bằng những chương trình hành động cụ thể, việc làm cụ thể, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên; chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn. Muốn làm được điều này thì các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là BCH Đảng bộ tỉnh cần tập trung khắc phục “3 không, 2 sợ”, đó là: “không nói, không tham mưu đề xuất, không làm và sợ cực, sợ sai”. Đồng thời, thực hiện tốt “3 phải”, đó là: phải chuyển đổi vị trí công tác; phải xử lý kiểm điểm, phê bình hành vi vi phạm; phải biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN