Sức sống tư tưởng "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"

Cập nhật, 06:06, Thứ Sáu, 19/05/2023 (GMT+7)

(VLO) Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng luôn luôn được Người coi là gốc rễ trong mối quan hệ mật thiết với năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên, để tạo thành nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản.

Và chính Người là mẫu mực, tiên phong trong thực hiện. “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là một trong những tác phẩm tiêu biểu được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhằm mục đích này. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), xin trân trọng giới thiệu lại nội dung tác phẩm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Người.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Bản thảo bài viết của Bác Hồ. Ảnh: Internet
Bản thảo bài viết của Bác Hồ. Ảnh: Internet

Tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với dung lượng chỉ gần 700 từ (đăng báo Nhân Dân, số 5409, ngày 3/2/1969), đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự trong xây dựng Đảng ta.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đạo đức cách mạng làm nên sức mạnh của Đảng và là một nhân tố quan trọng bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đạo đức cách mạng chẳng những là phẩm chất không thể thiếu của người cách mạng, mà còn là gốc rễ, là nền tảng của người cán bộ, đảng viên.

Đồng thời, đạo đức cách mạng còn giúp cán bộ, đảng viên vững vàng trong khó khăn, vượt qua thách thức cám dỗ.

Bởi lẽ, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài và gian khổ, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.

Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, Đảng ta đã được nhân dân ta tin tưởng ở năng lực lãnh đạo, phẩm chất cách mạng, sự trung thành mục tiêu vì nước, vì dân của Đảng đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Có được điều này một phần quan trọng là do “rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau”.

Đó chính là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, là “những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” và “nhân dân ta, Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế”.

Người khẳng định chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, là căn nguyên chính của nhiều căn bệnh, cũng như khuyết điểm, sai lầm khác và việc tu dưỡng nâng cao đạo đức cách mạng phải gắn bó mật thiết với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân như là một thứ vi trùng rất độc, sinh ra các bệnh nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi...

Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch nguy hiểm ở trong con người, là một loại giặc- “giặc nội xâm”, đồng minh của giặc ngoại xâm, là vết tích xấu xa nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong Đảng vẫn còn một số đảng viên đạo đức, phẩm chất thấp kém. Những người này “mang nặng chủ nghĩa cá nhân, làm việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Chủ nghĩa cá nhân thực sự là kẻ địch nguy hiểm của đạo đức cách mạng, đồng thời cũng là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là “một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Vì vậy, người cách mạng phải kiên quyết tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ rằng, đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân không phải là thủ tiêu lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu.

Đó còn là quan điểm xác định nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết và thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Do vậy, người cách mạng phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải coi đó là một việc làm thường xuyên giống như việc phải rửa mặt sạch sẽ hàng ngày.

Và để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người nêu những biện pháp để nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, để các cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng.

Đối với hệ thống tổ chức đảng, trước hết là các cơ quan, tổ chức trực tiếp đảm trách công tác xây dựng Đảng, cấp ủy các cấp nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân yêu cầu phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và tư tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên.

Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng nhân dân thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Phải giữ nghiêm chế độ sinh hoạt của chi bộ. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ cương vị chủ chốt, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân yêu cầu phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Phải kiên quyết tự soi, tự quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Vẹn nguyên giá trị theo thời gian

Giá trị của tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” từ khi ra đời đến nay và mai sau được thể hiện trên các mặt sau:

Trong những năm qua, song song với thực hiện đổi mới kinh tế, xã hội, Đảng ta đã chú trọng và tập trung nhiều hơn đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó sớm phát hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), Đảng ta lần đầu chỉ ra 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ tệ quan liêu, tham nhũng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đều nhắc lại các nguy cơ này.

Đặc biệt, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, xuất phát từ sự nhận thức về mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đảng ta đã nhấn mạnh thêm một nội dung trong công tác xây dựng Đảng là xây dựng Đảng về đạo đức.

Cũng trong nhiệm kỳ khóa XII, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 4 đã xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức và phòng, chống. Đây cũng chính là những nội dung đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Tác phẩm đã chỉ ra tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên; chỉ ra các tác hại và biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, từ đó nêu lên sự cần thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.

Biện pháp Người chỉ ra là phải tăng cường tự phê bình và phê bình thực chất- việc mà Người rất đề cao trong sinh hoạt Đảng và ví von bằng hình ảnh “Gạo đem vào giã bao đau đớn”, nhưng “Gạo giã xong rồi trắng tựa bông”.

Chỉ khi nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, lấy phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước làm đầu chứ không phải “làm quan của dân” luôn tìm cách vun vén trục lợi cho bản thân, cho gia đình một cách ích kỷ, hèn hạ...

Quán triệt tinh thần trên, các Đại hội Đảng toàn quốc từ lần thứ VIII đến lần thứ XIII đều tập trung bàn và đề ra các giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nội dung nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm”.

Hơn nửa thế kỷ đã qua từ ngày tác phẩm ra đời, nhưng những vấn đề đặt ra trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên càng cho thấy ý nghĩa, giá trị cũng như tầm vóc to lớn của tác phẩm.

Đây thật sự là một tài liệu quý về công tác xây dựng Đảng nói chung, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng nói riêng, đồng thời có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn.

HOÀNG KHẢI