Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Trong phiên thảo luận, đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển cho các công trình dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, hay việc chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, cho thấy rõ đây là điểm nghẽn mới trong tăng trưởng.
Việc giải ngân chậm do vướng mắc về quy trình, thủ tục khi triển khai các kế hoạch. Tuy nhiên theo đại biểu, yếu tố chủ quan của con người, bộ máy vẫn là khâu quyết định. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn.
Ngoài ra, việc tích tụ tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị, cần có giải pháp mang tính chiến lược mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và Nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi.
Về vấn đề thiếu xăng dầu tiếp tục được quan tâm, theo đó đại biểu đề nghị cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Về chính sách, chế độ cho ngành y tế, giáo dục, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới hai ngành y tế và giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông từ chế độ lương, phụ cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa, chương trình giảng dạy…
Trước tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế kéo dài thời gian qua, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ sớm chỉ rõ những vướng mắc, bất cập về việc đấu thầu thuốc, mua sắm thiết bị vật tư y tế. Đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp không nên để bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế lâu hơn.
TÂM HUỲNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin