Đề nghị biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán

Cập nhật, 05:13, Thứ Năm, 27/10/2022 (GMT+7)

Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Trong phiên thảo luận, đại biểu đồng ý với chủ trương tổ chức đấu giá biển số xe ô tô, song có nhiều ý kiến nêu những vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý khi ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Cụ thể, theo đại biểu quan niệm thế nào là biển số “đẹp” để được chọn đem ra đấu giá; nên quy định một người có quyền sử dụng bao nhiêu biển số “đẹp”… Về loại biển xe ô tô đưa ra đấu giá, dự thảo nghị quyết chỉ đấu giá biển nền màu trắng, chữ đen mà không đấu giá những loại xe biển màu vàng chữ đen, đại biểu đề nghị nên mở rộng thí điểm đấu giá cả loại biển số xe ô tô nền vàng chữ đen (tức là xe ô tô kinh doanh vận tải).

Dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương. Nếu quy định đấu giá biển số đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội nhưng chạy ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ rất phức tạp. Đại biểu cho rằng, chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ tiến hành quản lý ô tô và phải thay đổi thế nào để phù hợp với quy định bán đấu giá trên địa bàn cả nước.

Theo đại biểu, mục tiêu của biển số xe là để quản lý phương tiện mà bây giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý, nhất là khi đang thực hiện thí điểm vấn đề này. Vì vậy, đại biểu đề nghị biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế phương tiện đó.

Song song đó, việc thí điểm đấu giá biển số không được phép phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính. Bởi lẽ, quản lý phương tiện cá nhân là bài toán nan giải của đại đô thị, nếu phá vỡ mà chưa có tổng kết, đánh giá thì rất nguy hiểm. Đại biểu cũng đề nghị, số tiền thu được từ đấu giá nên đưa về ngân sách địa phương chứ không như dự thảo nghị quyết là nộp hết về ngân sách Trung ương.

TÂM HUỲNH