Trình Quốc hội ban hành nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến

Cập nhật, 17:18, Thứ Bảy, 23/10/2021 (GMT+7)

 

Đại biểu tham dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Long.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Long.

(VLO) Chiều 23/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021; dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời (trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay); bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nghị quyết quy định Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. Nghị quyết được thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Đóng góp tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đồng tình việc ban hành nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động xét xử của tòa án bị ảnh hưởng, nhiều đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam tại vùng cách ly, vùng có dịch, không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Dự báo, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Khoản 2 Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định…”.

Các luật tố tụng hiện hành đều quy định cụ thể thời hạn xét xử đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính.

Do đó, cần có giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tòa án trong công tác xét xử; bảo đảm thời hạn xét xử do luật định; bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Do các luật tố tụng hiện hành chỉ quy định hình thức xét xử trực tiếp và được tiến hành tại phòng xử án; chưa quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nên đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Tin, ảnh: AN NHIÊN