Đề xuất bãi bỏ quy định tỷ lệ 15% bình chọn "chiến sĩ thi đua cơ sở"

Cập nhật, 16:47, Thứ Bảy, 23/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Sáng 23/10/2021, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV chia tổ thảo luận dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đại biểu đoàn Vĩnh Long đã có nhiều ý kiến đóng góp cho 2 dự án luật này.

* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: Đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa trong sản xuất phim

Tôi cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật, tuy nhiên cần bổ sung một số điều, khoản của Luật Điện ảnh. Hiện nay, việc bảo hộ quyền tác giả đối với các nhà làm phim Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống pháp lý. Tình trạng phim bị quay lậu tại các rạp chiếu phim và phổ biến phim trên không gian mạng diễn ra tương đối nhiều mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.  

Với thực tế khối lượng phim phát trên Internet rất nhiều, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước lại không thể kiểm soát máy chủ nếu đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc chưa xác định được “không gian lãnh thổ” thì các biện pháp mang tính tiền kiểm đã không còn phù hợp.

Từ thực tế trên, Dự án Luật cần xác định rõ phương thức quản lý, vấn đề chia sẻ dữ liệu, bản quyền… sẽ được thực hiện như thế nào với các biện pháp kỹ thuật tương ứng để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tế. Việc phổ biến phim trên kênh truyền hình, phim nước ngoài có phụ đề của kênh truyền hình nước ngoài phát trên lãnh thổ Việt Nam, phim dạng số… cũng cần có chính sách quản lý phù hợp.

Đề nghị đẩy mạnh xã hội hóa trong sản xuất phim, chuyển giao, phổ biến, phát hành phim, xây dựng trường quay hiện đại hay đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện ảnh. Phát triển công nghiệp điện ảnh thành ngành mũi nhọn trong xây dựng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Dự thảo luật cần bổ sung nội dung phim hợp tác sản xuất với nước ngoài, thị trường điện ảnh, làm rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền cấp phép phim, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sao cho khả thi hơn.

Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), tôi cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị cần bổ sung một số điều, khoản của Luật Thi đua khen thưởng như sau: Điều 39. “Huân chương Lao động” hạng nhất, bổ sung thêm tại khoản 1, sau điểm a: cụm từ “Hoặc có quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể”; bổ sung điểm b cụm từ “Đối với công nhân, nông dân, người lao động có phát minh, sáng chế, sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả và được cấp bộ, ngành, đoàn thể trung ương công nhận”.

Điều 40. “Huân chương Lao động” hạng Nhì, bổ sung khoản 1 điểm b: Có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có phát minh, sáng chế, sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả trong bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đoàn thể trung ương; có công trình khoa học hoặc tác phẩm xuất sắc tiêu biểu cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; đối với công nhân, nông dân, người lao động có phát minh, sáng chế, sáng kiến đã được ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả được cấp tỉnh công nhận.

Bổ sung Điều 41 khoản 1 điểm d: Có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất hoặc có công trình khoa học, nghệ thuật, có sáng kiến được hội đồng khoa học cấp bộ, cấp tỉnh đánh giá xuất sắc, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao, thiết thực; đối với công nhân, nông dân, người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất hoặc có sáng kiến đã được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả được cấp huyện công nhận.

* Đại biểu Trịnh Minh Bình: Đề xuất bãi bỏ quy định tỷ lệ 15% “chiến sĩ thi đua cơ sở”

Sau hơn 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách lớn của nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.  

Tôi thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh, trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành.

Theo đó, về đối tượng áp dụng, cần làm rõ sự điều chỉnh của luật đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam quy định tại khoản 5 Điều 22.

Về phổ biến phim, đề nghị nghiên cứu, quy định cơ chế khuyến khích phổ biến phim, nhất là phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước, phim của các nhà sản xuất phim tư nhân trong nước trên hệ thống truyền hình, trong cơ sở giáo dục và phục vụ hoạt động du lịch để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập, nghiên cứu của nhân dân, khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn phim.  

Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), tôi thống nhất cao sự cần thiết ban hành luật lần này cũng phù hợp với xu thế phát triển đất nước.

Đóng góp thêm cho dự án luật, đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 19 từ "Có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" thành "Có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có hai lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" để đảm bảo quyền lợi cho những người được điều động, luân chuyển công tác.

Đối với danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở”, theo Điều 20 của dự thảo Luật và Điều 23 của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành không quy định tỷ lệ được công nhận danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” trong tổng số cá nhân đạt “lao động tiên tiến” của toàn đơn vị.

Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng có quy định tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “lao động tiên tiến”.

Với tỷ lệ theo quy định như trên, đã gây không ít khó khăn trong việc bình xét thi đua của đa số các đơn vị, do tỷ lệ bỏ phiếu không tập trung, không đạt theo yêu cầu.

Vì vậy, đề xuất Ban soạn thảo điều chỉnh hoặc bãi bỏ quy định tỷ lệ 15% “chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc điều chỉnh theo hướng xét tỷ lệ tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở cho các cá nhân tùy theo điều kiện kinh phí của từng cơ quan, đơn vị, như thế sẽ tạo được động lực phấn đấu thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

AN NHIÊN (ghi)