Tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

10:10, 30/10/2021

Sáng 30/10/2021, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025.

 

Sáng 30/10/2021, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025. Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến này, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho rằng, Chính phủ cần đánh giá lại những hạn chế, bất cập trong thực hiện các mục tiêu quan trọng liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động, từ đó có giải pháp xác lập các mục tiêu trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Trước hết, tôi thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020. Trong giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ đã nỗ lực cao trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đạt theo nghị quyết của Quốc hội; hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,27% tổng số mục tiêu đề ra, kinh tế đất nước tiếp tục phát triển đúng hướng, có sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, với 5/22 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra như báo cáo đã đánh giá, tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, phân tích toàn diện nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan tác động trực tiếp, tiêu cực làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, nhất là những hạn chế, bất cập trong thực hiện các mục tiêu quan trọng liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động, từ đó có giải pháp xác lập các mục tiêu trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025.

Về kế hoạch cơ cấu nền lại kinh tế giai đoạn 2021- 2025, tôi xin đề xuất với Chính phủ quan tâm một số nội dung cụ thể sau:

Tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gắn với triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng tập trung cả vốn trung ương và địa phương, phối hợp vốn đầu tư trung ương- địa phương, giữa các địa phương có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Sớm ban hành và thực hiện quy hoạch quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch các địa phương, định hướng khai thác hiệu quả hợp tác, liên kết vùng, gia tăng lợi ích lan tỏa trong nâng cao năng suất, nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành có thế mạnh của vùng, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các ngành dễ bị tổn thương, thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế một cách hiệu quả, bền vững. Trong đó, tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án đường bộ cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung, các dự án thủy lợi, công trình cống đập lớn, hồ chứa nước ngọt; có cơ chế ưu tiên đầu tư nguồn lực phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp; trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để có những giải pháp căn cơ, hiệu quả gỡ điểm nghẽn về vấn đề giống, thức ăn và chế biến, sớm đạt mục tiêu xác lập bộ giống tốt nhất, thích ứng biến đổi khí hậu cho 3 ngành hàng chủ lực: thủy sản- cây ăn trái- lúa gạo, giúp khu vực ĐBSCL thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn mới.

Đổi mới mạnh mẽ việc triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, gắn với tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động, giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch, ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch từ quản lý nhà nước tới quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, quảng bá xúc tiến, bán hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở lại hoạt động du lịch nội địa và đón khách quốc tế, đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa tại các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh gắn với các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy đầu tư du lịch tại các vùng khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch.

Tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng thích ứng với dịch COVID-19 một cách an toàn với các giải pháp ưu tiên tiêm vacxin để bảo vệ người dân trước dịch bệnh; đảm bảo để hệ thống y tế không bị quá tải và có đủ năng lực để ứng phó khi dịch bệnh bùng phát trên cơ sở nâng cao chất lượng vận hành hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng trong giám sát phát hiện sớm dịch bệnh, khống chế kịp thời sự lây nhiễm; điều trị sớm và đảm bảo năng lực điều trị cũng như chăm sóc hồi sức cấp cứu, thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an toàn tín mạng và sức khỏe nhân dân.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 trong bối cảnh đất nước tập trung thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chắc chắn bước đầu sẽ có những khó khăn, thách thức. Nhưng cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng với sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, của Quốc hội cùng sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và quyết tâm chính trị của các địa phương, kế hoạch tái thiết kinh tế trong giai đoạn mới nhất định sẽ thành công.

AN NHIÊN (ghi)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh