THẢO LUẬN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

Đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc đảm bảo chi trả minh bạch, rõ ràng

Cập nhật, 08:44, Thứ Bảy, 30/10/2021 (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang.
Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang.

Ngày 29/10/2021, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, luật chưa đề cập các nguyên tắc liên quan đến việc kết nối giữa tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề về thanh toán bảo hiểm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc đảm bảo chi trả minh bạch, rõ ràng, đầy đủ theo cam kết.

Thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm (Điều 7), dự thảo luật đã đưa ra các nguyên tắc đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm trong việc lựa chọn tổ chức bảo hiểm và việc tự bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng chưa đề cập các nguyên tắc liên quan đến việc kết nối giữa tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề về thanh toán bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc đảm bảo chi trả minh bạch, rõ ràng, đầy đủ
theo cam kết.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10), hiện nay tình trạng mời gọi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm bảo hiểm một cách thái quá diễn ra dưới nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua hoạt động nhắn tin, điện thoại thường xuyên, liên tục của một bộ phận không nhỏ nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm đã thật sự gây nhiều phiền toái cho khách hàng. Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc cung cấp thông tin không trung thực từ một hoặc cả hai phía khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.

Do đó, cần thiết phải có những quy định thật rõ, thật cụ thể về các hành vi cấm trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của các đối tượng tham gia trong hoạt động bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, cần quy định nghiêm cấm hành vi cung cấp thông tin bảo hiểm sai sự thật, quảng cáo, thông tin không đúng sự thật nhằm thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, để làm cơ sở pháp lý cho việc áp dụng chế tài xử lý đối với cả pháp nhân và cá nhân vi phạm.

Về nội dung của hợp đồng bảo hiểm (Điều 14), tại khoản 1, Điều 4, Dự thảo luật đã quy định các bên có quyền thỏa thuận về nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Ngoài những nội dung trên, hợp đồng bảo hiểm cần đề cập đến các chi phí liên quan khác như lãi suất, loại hình bảo hiểm, đây là các yếu tố được rất nhiều người quan tâm khi tham gia bảo hiểm, nên cần được quy định cụ thể.

Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 17), thực tiễn đã phát sinh tình huống sau khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết, việc chăm sóc khách hàng, việc cung cấp các thông tin cần thiết, việc thu phí cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thường không kịp thời, thậm chí bị gián đoạn, đình trệ, gây tâm lý bất an, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được bảo hiểm.

Do đó, khoản 2, Điều 17, cần thiết bổ sung thêm quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ “thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng trong thu phí bảo hiểm”, để khắc phục những bất cập có thể gây thiệt thòi về quyền lợi của người được bảo hiểm; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh thêm đối với các quy định “về quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm” ở điểm c, khoản 1 quy định để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người mua bảo hiểm, nhất là người yếu thế.

Đối với Quy định về đề phòng hạn chế tổn thất, phòng chống gian lận bảo hiểm, giải quyết tranh chấp (mục 5, Chương 2), dự thảo luật cần có những quy định cụ thể để nhận dạng đầy đủ các tổn thất, các gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm để bổ sung những quy định pháp lý mang tính đặc thù với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm để đảm bảo an toàn tài sản, vốn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, cần có những quy định bắt buộc và khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và đầu tư cho các biện pháp phòng ngừa, hạn chế các tổn thất của đối tượng tham gia bảo hiểm.

Về sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin (mục 8, Chương 3): Cần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng số hóa trong cải tiến quy trình bảo hiểm, nhất là quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm theo hướng đơn giản, thuận tiện và minh bạch nhằm mang đến nhiều trải nghiệm tích cực, giúp người dùng hiểu đủ - mua đúng sản phẩm bảo hiểm, từ đó hạn chế những bất cập trong các quyết định chi trả quyền lợi bảo hiểm.

AN NHIÊN (ghi)