Đề nghị Chính phủ xem xét chế độ cho công an xã bán chuyên trách

Cập nhật, 19:08, Chủ Nhật, 24/10/2021 (GMT+7)

(VLO) Ngày 24/10/2021, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021…

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh- Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có đề nghị Chính phủ xem xét chế độ cho công an xã bán chuyên trách.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đứng trước những khó khăn, thách thức với nhiều vấn đề mới đặt ra, Chính phủ chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa bàn cơ sở tạo niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là các lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.  

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, có kế hoạch, dự báo đánh giá tác động đối với tình hình an ninh, trật tự xã hội trong tình hình mới và đưa ra những phương án phòng ngừa hiệu quả.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị một số nội dung sau: Tiếp tục tăng cường các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của công an xã theo hướng nắm tình hình và giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở, tổ chức các mô hình như công an phường đối với thị trấn, xã loại 1 vì thực tế địa bàn rộng, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp hơn trong giai đoạn hiện nay.

Đề nghị Chính phủ xem xét chế độ cho công an xã bán chuyên trách, đặc biệt công an viên dưới 15 năm công tác, cũng như sớm ban hành hướng dẫn lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh ở cơ sở đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng này theo điều 12 Nghị định 42 của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự, góp phần phòng chống tội phạm.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay thì công an xã càng đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cần thiết phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Đề nghị Chính phủ xem xét quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19; trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ hạn chế tối đa các trường hợp bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Thực tế, trong phòng chống COVID-19 lực lượng Công an nhân dân đã cùng với các lực lượng tuyến đầu quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an đang ngày đêm tham gia trực tiếp trên mặt trận tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, rủi ro vì sự bình yên và an toàn của người dân.

Cần chú trọng hợp tác về quản lý biên giới và an ninh mạng, không để tội phạm lợi dụng dịch bệnh để tăng cường hoạt động qua biên giới và trên không gian mạng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chủ động thiết lập kênh thông tin như đường dây nóng, cơ chế giao ban trực tuyến và nâng cao hiệu quả hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là thông tin về các băng nhóm tội phạm, phương thức, thủ đoạn cũng như các vấn đề phức tạp về an ninh quốc gia; nghiên cứu tăng cường hợp tác điều tra chung và tập huấn chuyên môn cho cán bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học- công nghệ, trang bị phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng chống tội phạm.

Sớm hành văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình phòng chống tội phạm giai đoạn 2021- 2025. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội ở địa bàn cơ sở gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là trong chỉ đạo đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các mặt hàng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, các lĩnh vực nhạy cảm; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tạo sức răn đe, lan tỏa, phòng ngừa chung trên các lĩnh vực.

AN NHIÊN (ghi)