Người anh hùng và chuyến mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

Cập nhật, 06:02, Thứ Bảy, 23/10/2021 (GMT+7)

 

Bộ đội kỹ thuật cho tàu chở vũ khí thiết bị kỹ thuật tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.  Ảnh: CỤC KỸ THUẬT HẢI QUÂN
Bộ đội kỹ thuật cho tàu chở vũ khí thiết bị kỹ thuật tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Ảnh: CỤC KỸ THUẬT HẢI QUÂN

(VLO) Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về đưa vũ khí từ miền Bắc vào Nam, Đoàn 759- tức “đoàn tàu không số” (nay là Lữ đoàn 125) được thành lập. Đây là lực lượng vận tải trên biển thực hiện nhiệm vụ chiếc lược cao cả đó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta viết lên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhiệm vụ tuyệt mật

Những năm 1960- 1961, phong trào Đồng khởi rầm rộ. Chiến trường Vĩnh Trà nói riêng cũng như chiến trường Nam Bộ thiếu vũ khí chiến đấu. Đầu 1961, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ cử các đơn vị tàu thuyền ra miền Bắc để lấy vũ khí phục vụ cho chiến trường. Con đường vượt biển đó mang tên Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tháng 6/1961, Tỉnh ủy Vĩnh Trà thành lập đoàn vận tải bằng đường biển ra Bắc bí mật chở vũ khí về Nam phục vụ chiến đấu.

Đoàn gồm 3 đảng viên là Hai Pháp (Huyện ủy viên Trà Cú), Tám Khương (đảng viên Chi bộ xã Trường Long Hòa), Nguyễn Văn Inh- thuyền trưởng, cùng 3 quần chúng là Tôi, Hai Lẹ, Ba Mao. Để giữ bí mật chuyến đi, 6 người trên tàu đổi tên mới: Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. Ông Nguyễn Văn Inh được mang tên Hồ Đức Thắng.

Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Thắng- thuyền trưởng tàu không số mở Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Thắng- thuyền trưởng tàu không số mở Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Lần ấy, chúng tôi gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Thắng khi ông còn mạnh khỏe, vừa từ huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) chuyển xuống ở cùng con trai ở xứ biển thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh).

Tiếp chúng tôi, Thiếu tá Hồ Đức Thắng (tức Hồ Bá Thọ, khi vào bộ đội có tên Nguyễn Văn Inh) vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên ra Bắc. Anh hùng Hồ Đức Thắng kể: Phương tiện vượt biển ra miền Bắc lúc đó chỉ là 1 chiếc tàu gỗ trọng tải 15 tấn, được mua với giá 84.000 đồng (tiền Sài Gòn thời bấy giờ), 1 chiếc la bàn cũ, một ít nước ngọt, lương thực đủ cho 6 người đi biển dài ngày.

Con tàu không số đó nhổ neo vào một sáng tinh mơ 25/8/1961. Ngày đó, trời Nam Bộ trong xanh tuyệt đẹp. Bãi biển Trà Vinh sóng gợn nhẹ như lưu luyến tiễn chân các anh bước vào một chuyến hải trình đầy gian nguy, thử thách. Các anh không được nói với gia đình, người thân để giữ bí mật tuyệt đối cho chuyến đi lịch sử này.

Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, đến ngày thứ 10 thì tàu gặp bão rất lớn ngoài Biển Đông. Cánh buồm bị gió táp tả tơi. Tàu hư hỏng nặng, không còn định hướng được. 3 ngày sau, tàu trôi dạt vào một thành phố xa lạ. Anh em lầm tưởng là cảng Hải Phòng ở miền Bắc.

Đến khi cảnh sát kiểm tra thì mới biết đó là cảng Ma Cao. Do bất đồng ngôn ngữ nên Thiếu tá Hồ Đức Thắng ra hiệu cho cảnh sát cảng Ma Cao biết đây là tàu từ Sài Gòn đi buôn bán và gặp nạn.

Tại đây, thủy thủ đoàn được cảnh sát và nhà chức trách địa phương giúp đỡ, cho tiếp tế nước ngọt, lương thực, giúp vá lại buồm.

Nhờ đó, tàu không số tiếp tục cuộc hải trình trên vùng biển xa lạ. Tiếp đến, tàu cặp vào một cửa sông thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Anh em thủy thủ lên bờ được công an nước bạn đưa về Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu. Từ đây, 6 chiến sĩ được lãnh sự quán đưa về Việt Nam, rồi đi thẳng về Thủ đô Hà Nội.

Đến Hà Nội đoàn thủy thủ Nam Bộ phải tuyệt đối bí mật. Bởi lúc này, Mỹ- ngụy đang phong tỏa vùng biển của ta từ Nam chí Bắc. Việc tàu không số ra lấy vũ khí mà tránh được mạng lưới kiểm soát dày đặc của hải quân địch để về Nam an toàn là rất khó khăn và hiểm nguy nếu bị lộ.

3 ngày sau khi đến Thủ đô Hà Nội, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Phó Thủ tướng Phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ và đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến gặp, trực tiếp nghe đoàn báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, tình hình của bộ đội ta và căn dặn đoàn những nhiệm vụ quan trọng sắp tới cho chuyến đi bí mật này.

Thiếu tá Hồ Đức Thắng thay mặt 6 anh em trong đoàn báo cáo với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương về tình hình chiến trường Vĩnh- Trà và quyết tâm đánh đế quốc Mỹ của nhân dân Vĩnh- Trà nói riêng cũng như cả miền Nam.

Nghe anh em trong đoàn nói lên những quyết tâm to lớn của nhân dân miền Nam, Bác Hồ chỉ thị cho đoàn an tâm nghỉ dưỡng sức, tranh thủ học thêm về văn hóa trong những ngày còn ở lại miền Bắc để chờ nhận nhiệm vụ mới.

Lữ đoàn anh hùng và thuyền trưởng tàu không số anh hùng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh, một đơn vị đặc nhiệm mang tên Đoàn 759 được thành lập vào tháng 7/1959. Đây là đơn vị nhỏ cỡ tiểu đoàn với mật danh là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” thuộc Tổng cục Hậu cần.

Đến 23/10/1961, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tháng 8/1963, Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Bộ Tư lệnh Hải quân, đổi tên thành Lữ đoàn 125. Thiếu tá Hồ Đức Thắng trở thành sĩ quan đầu tiên của Lữ đoàn 125.

Cuộc thử thách đầu tiên là vào đêm 30 tết năm 1959. “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” đã nhổ neo “tàu không số” đầu tiên mở đường vào liên lạc chi viện cho miền Nam.

Trong 2 năm đầu, thuyền trưởng “tàu không số” Hồ Đức Thắng cùng các chiến sĩ tiên phong mở đường ra Bắc nhận vũ khí chở vào Nam.

Đầu năm 1962, Đoàn 759 được Bộ Tư lệnh Hải quân cấp 1 chiếc tàu sắt trọng tải 55 tấn, có trang bị đầy đủ phương tiện đi biển xa và các loại vũ khí để chiến đấu bảo vệ nếu địch phát hiện.

Tàu còn trang bị 1 chiếc la bàn hiện đại hơn để báo tín hiệu đoàn tàu của Quân giải phóng miền Nam ra Bắc tiếp nhận vũ khí khi ra đến Vũng Rô (Phú Yên).

Vũng Rô là một địa điểm chiến lược tập kết nhiều tàu của ta. Theo quy ước, khi tàu từ Nam ra phát tín hiệu, tức là bắt đầu đi vào vùng biển nguy hiểm. Bởi Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ phong tỏa vùng biển từ Khánh Hòa đến Quảng Trị và được trang bị vũ khí hiện đại bậc nhất lúc đó.

Rời vùng biển Bắc, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên đã phải khôn khéo nghi trang, lọt qua lưới kiểm soát dày đặc của Hải quân Mỹ- ngụy, cập bến an toàn tại căn cứ Cà Mau.

Từ chuyến thứ 2, đoàn được trang bị tàu 100 tấn để tăng khối lượng vận chuyển vũ khí vào chiến trường. Đến năm 1966, đoàn tàu do thuyền trưởng Hồ Đức Thắng đã chuyển được 16 chuyến an toàn với hơn 100 tấn vũ khí.

Với những thành tích quả cảm đó, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1967, đơn vị tàu 55 (lấy số hiệu từ chiếc tàu 55 tấn được Trung ương cấp đầu tiên) của Lữ đoàn 125 đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Chính trị viên Hồ Đức Thắng vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định số 125/SV ngày 1/7/1967 tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ 1961- 1975, những chuyến tàu của Lữ đoàn 125 đã lập công xuất sắc, đưa 152.876 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh cho miền Nam, đưa đón 80.026 lượt cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, của quân đội vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, vượt qua 4 triệu hải lý an toàn.

Những lúc tàu không số ta bị địch bao vây, không thể thoát khỏi sự truy lùng của địch, những chiến sĩ đã biến tàu không số thành những khối thuốc nổ đâm thẳng vào tàu địch.

Cán bộ, chiến sĩ các tàu không số đã chiến đấu 300 lần với địch và bị hơn 1.200 lần máy bay địch bắn phá nhưng vẫn bảo đảm nhiệm vụ. Trong số 168 lần tàu ra đi từ năm 1966- 1972, có 8 trường hợp tàu bị lộ phải phá tàu.

“Trong trường hợp đấu trí không nổi, đọ sức không thắng, hết đường quay về thì thủy thủ đoàn sẵn sàng cảm tử phá tàu để giữ bí mật và không có tàu nào đầu hàng”- anh hùng Hồ Đức Thắng đã từng quả quyết như vậy.

Trong những chuyến hải trình bí mật đó, đáng chú ý nhất là vào năm 1963, Đoàn 759 (Lữ đoàn 125) đã tổ chức 28 chuyến tàu chở 1.318 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam. Số vũ khí này góp phần làm nên những chiến thắng có ý nghĩa bước ngoặt.

Trong đó có trận Ấp Bắc vang dội (ngày 2/1/1963) cũng như tạo đà liên tiếp nhiều chiến thắng sau đó, phá tan nhiều đồn bốt giặc ở miền Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ, mở ra khả năng đánh bại chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận” của Mỹ.

Những chiến thắng đó đã làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn dao động. Tỉnh trưởng An Xuyên (tỉnh Cà Mau ngày nay) đã báo cáo khẩn cấp về phủ tổng thống ngụy (ngày 15/9/1963) rằng “vũ khí của Việt cộng đã vượt ra ngoài ước tính của chúng tôi. Việt cộng đã dùng cối 81mm, đại liên 12,7mm, DK 275, là những thứ mà quân đội VNCH chưa có”.

Sau Hiệp định Paris tháng 1/1973, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Lữ đoàn 125 tiếp tục củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, thành lập thêm tiểu đoàn, tiếp nhận tàu mới, nâng cao trình độ mọi mặt và rèn luyện ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng lên đường khi có lệnh.

Với tinh thần trách nhiệm cao, trong 2 năm 1973 và 1974, Lữ đoàn 125 huy động 380 lượt tàu ra Bắc, chở trên 43.000 tấn hàng, đưa 2.042 lượt cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam và từ đất liền ra các hải đảo, đã vượt qua 158.292 hải lý an toàn.

Như vậy, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết chiến trường miền Nam, sau khi có Nghị quyết 15-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng Khóa III, yêu cầu về vũ trang đi kèm đồng khởi ở các tỉnh Nam Bộ, đã đưa cách mạng miền Nam sang một tình thế chiến lược mới.

Từ chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, chuyển thế chiến thuật từ đấu tranh chính trị là chính, sang đấu tranh vũ trang là chính đi kèm đấu tranh chính trị; mà Hội nghị Bộ Chính trị mùa hè 1969 và sau đó là Hội nghị lần thứ 18 của BCH Trung ương Đảng tháng 1/1970, đã đề ra các nhiệm vụ “động viên sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên cả hai miền, phát huy thắng lợi đã đạt được, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, tiếp tục phát triển chiến lược tiến công một cách liên tục và mạnh mẽ... đánh cho Mỹ phải rút hết quân, đánh cho ngụy phải suy sụp, tạo điều kiện cơ bản để thực hiện một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”.

Việc mở Đường Hồ Chí Minh trên biển chở vũ khí từ Bắc vào Nam là chủ trương táo bạo, sáng suốt của ảng ta, đã trở thành biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trí, đấu lực toàn diện với kẻ thù.

Với lòng quả cảm và mưu trí, các chiến sĩ hải quân đã quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ- một kẻ thù luôn trang bị vũ khí, khí tài hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Điều này đã cho thấy sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

PHẠM BÁ NHIỄU