"Có hiện tượng chạy thành tích, dùng hình thức khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có những ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá"- Chủ tịch nước cho biết tại buổi thảo luận tổ sáng 23/10.
“Có hiện tượng chạy thành tích, dùng hình thức khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có những ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá”- Chủ tịch nước cho biết tại buổi thảo luận tổ sáng 23/10.
Sáng 23/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, khen thưởng trong kháng chiến là truyền thống quý báu nên cần phải tiếp tục, đây là hình thức giữ gìn truyền thống của đất nước.
Nhưng vấn đề quan trọng là không thể lạm dụng việc xác nhận không đúng liệt sĩ, thương binh và các hình thức để nhận khen thưởng. Chúng ta chưa thể kết thúc khen thưởng kháng chiến mà phải giữ gìn, coi đó là bầu nhiệt huyết mà mọi thế hệ phải tiếp tục phát huy.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại thảo luận tổ sáng 23/10. (Ảnh: Báo Lao động) |
Đề cập đến một số hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.
Ông cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế khi chúng ta tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú trọng phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, việc phát huy chưa sâu rộng.
“Chúng ta cần có hình thức làm cho phù hợp. Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Cả một thế hệ đoàn kết của dân tộc mà chuyển động thì phong trào quần chúng mới chuyển động. Phải thi đua thực tế hơn, chấm dứt hình thức”- Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, phong trào thi đua khen thưởng cần phải được thấm sâu vào từng cơ quan, đơn vị để tạo thành phong trào trong quần chúng. Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế về hình thức chưa đi vào thực chất.
“Có hiện tượng chạy thành tích, dùng hình thức khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có những ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá”- Chủ tịch nước cho hay.
Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị việc khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy trình. Thi đua phải là một cuộc cách mạng, khen thưởng phù hợp, tránh tình trạng chú trọng khen thưởng mà không chú trọng phong trào thi đua. Nếu phong trào thi đua được phát động mạnh mẽ theo chuyên đề hàng năm, hàng quý thì nhất định sẽ hiệu quả hơn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các đơn vị, ngành chức năng nên có hình thức tôn vinh những cá nhân, tổ chức, các tuyến đầu và tuyến sau trong phòng, chống COVID-19.
Ngoài lực lượng các y bác sĩ, công an, quân đội, còn rất nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức là những tấm gương điển trong công tác phòng, chống COVID-19. Họ là những nhà thiện nguyện, có người đóng góp hàng nghìn tỷ nhưng không hề tính toán, không cần nêu tên.
“Bao nhiêu tấm gương điển hình bán từng ổ trứng gà, mảnh đất để hỗ trợ. Có người dân xông pha nấu rất nhiều suất cơm mấy năm trời để phục vụ người lao động.
Đó là những hình ảnh tuyệt vời thì nên có những tôn vinh cá nhân, tập thể đó nhằm thôi thúc dân tộc ta, tạo tính nhân văn, thương yêu, đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước vượt qua khó khăn"- Chủ tịch nước chia sẻ.
Về khen thưởng có quyền lợi nhất định, do vậy Chủ tịch nước cũng cho rằng nên có chế tài để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình trình hồ sơ khen thưởng, nhằm chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình khen thưởng.
Thi đua đến đâu khen thưởng đến đó
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị (đoàn Quảng Ninh) cũng chia sẻ, trong Dự thảo luật Thi đua khen thưởng có nhiều điểm mới, trong đó có 3 điểm mới nổi lên là: cố gắng khắc phục bệnh thành tích trong thi đua, hướng về cơ sở và phân cấp.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, nội dung về thi đua chúng ta có bàn nhưng cần bàn sâu hơn nữa. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, điều mà người ta quan tâm hiện nay là từ khi xây dựng, phát động, triển khai, tổ chức, triển khai giám sát đây là vấn đề rất lớn, nhưng vẫn còn đối phó, hình thức.
Về xét khen thưởng, cần phải bám vào phong trào thi đua. Kết quả của thi đua đến đâu thì chúng ta khen thưởng đến đó, nhưng trên thực tế nhìn vào nội dung thi đua và mức độ đóng góp, sự lan tỏa của các kết quả là hạn chế nhưng hình thức phong phú, tạo sự chồng chéo.
Vì vậy có lẽ cần có quy định cụ thể, trong một thời hạn mà tổ chức thi đua khen thưởng thì phải tích hợp được các thành tích thi đua về mọi phương diện và cuối cùng chỉ được nhận một hình thức thi đua khen thưởng cao nhất. Như vậy sẽ rất tốt, có tác dụng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) kiến nghị tăng tính bao phủ trong khen thưởng với các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân tiêu biểu, xuất sắc. Việc này giúp các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội có cơ hội được khen thưởng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội). (Ảnh: Quốc hội) |
"Các phong trào thi đua còn mang tính hành chính hóa, cộng dồn các thành tích mà chưa có cơ chế khuyến khích thi đua"- đại biểu Thường nêu ý kiến.
Góp ý vào Dự thảo luật, đại biểu Thường cũng cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị, ông cho rằng cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm lập thành tích thay vì cá nhân phải tự báo cáo thành tích của mình./.
Theo Minh Khánh/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin