Sự năng động của Chính phủ và hiệu quả trong quản lý

Cập nhật, 12:33, Thứ Hai, 01/02/2021 (GMT+7)

"Cả một nhiệm kỳ, đặc biệt trong năm 2020, chúng ta thấy được sự năng động của Chính phủ và hiệu quả trong quản lý thông qua 3 góc độ đánh giá".

Đại biểu Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với báo chí. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Đại biểu Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với báo chí. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Đại biểu Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định điều này khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về công tác điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ cũng như việc thể chế hoá đường lối của Đảng thông qua các hoạt động của Quốc hội.

Đánh giá về sự điều hành của Chính phủ trong mọi mặt đời sống xã hội nhiệm kỳ này, đại biểu Phan Thanh Bình khẳng định: “Cả một nhiệm kỳ, đặc biệt trong năm 2020, chúng ta thấy được sự năng động của Chính phủ và tính hiệu quả trong quản lý”.

Điều này thể hiện ở 3 góc độ. Thứ nhất, Chính phủ đã có những quyết sách, điều hành, hành động theo Nghị quyết của Đảng, yêu cầu của Đảng.

Thứ hai, các kế hoạch của Chính phủ đều đã hoàn thành, đặc biệt trong năm 2020 khi tình hình kinh tế-xã hội diễn biến rất phức tạp, với dịch bệnh COVID-19, bão lũ… và góc độ thứ ba, theo ông Phan Thanh Bình là cuộc sống, sự bình yên và hài lòng của người dân đã đạt được.

“Tôi đánh giá là đạt được cả 3, từ góc độ của Đảng cho đến những chỉ tiêu quản lý của Nhà nước và đến cuối cùng là bình yên của xã hội, của nhân dân”, đại biểu Phan Thanh Bình nói.

Đề cập về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII, ông Bình khẳng định đây là sự chuẩn bị rất công phu của cả đội ngũ từ lãnh đạo cấp cao đến chuyên gia và sự lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân.

Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật thông qua các luật, nghị quyết của Quốc hội một cách tốt nhất trong thời gian tới, theo đại biểu Phan Thanh Bình, sau Đại hội XIII, cả hệ thống quản lý từ Quốc hội, Chính phủ cần rà soát lại căn cứ vào quan điểm của Trung ương.

Các Luật đang được điều chỉnh theo Hiến pháp 2013, là tôn trọng quyền con người, quyền công dân, đến nay thêm vấn đề văn hóa và con người Việt Nam, đều phải rà soát lại.

Đây không chỉ là kế hoạch trong vòng 5 năm mà còn cần được thực hiện trong chiều dài của sự phát triển đất nước, hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và kỷ niệm 100 năm thành lập nước (năm 2045).

Theo đại biểu Phan Thanh Bình, thực hiện tinh thần "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa song song với kinh tế.

Đồng thời, làm rõ nhiệm vụ quản lý Nhà nước của hệ thống pháp luật, chính sách - cần sự đầu tư thỏa đáng cho hoạt động văn hóa. Phải phát huy vai trò chủ động của con người bởi con người trực tiếp tạo ra văn hóa, trở thành nhà quản lý văn hóa và nâng cao nhận thức toàn xã hội về vấn đề này.

Văn hóa và con người sẽ phát triển theo trình độ kinh tế, vì thế, nếu đẩy mạnh phát triển văn hóa, con người thì kinh tế sẽ tiếp tục phát triển tốt. Đây là nền tảng chung, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa-xã hội, đại biểu Phan Thanh Bình phân tích.

Đại biểu cũng nhấn mạnh đến vị trí của con người trong thời đại công nghiệp phát triển. Trước các vấn đề toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta ngày càng phụ thuộc hơn vào công nghệ, máy móc…

Do đó, vấn đề con người, bản sắc văn hóa sẽ đi song song với kinh tế, là điều kiện để chúng ta tồn tại trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã nói rất rõ những vấn đề này, ngay trong việc xác định các mũi đột phá.

Đại biểu Phan Thanh Bình nhắc tới 3 đột phá chiến lược được nêu trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, bao gồm đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; vấn đề giáo dục và đào tạo cũng được đặt ra nhiều hơn trong đào tạo con người Việt Nam giai đoạn mới.

Để làm được vấn đề này, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới trong quản lý nhà nước và quản trị, đồng thời ban hành hàng loạt các chính sách để thúc đẩy giáo dục phát triển.

Ông Bình cho rằng ngành giáo dục phải đổi mới quản trị để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ và trách nhiệm giải trình phải trở thành động lực cho phát triển giáo dục-đào tạo. Dự thảo Văn kiện Đại hội đặt ra vấn đề tiếp tục đầu tư, thậm chí đầu tư tốt hơn cho giáo dục-đào tạo.

Cùng với đó, vấn đề xây dựng con người, khơi dậy khát vọng, ý chí phát triển dân tộc Việt Nam sẽ được đẩy mạnh với giáo dục và đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới nhiều lần và dự thảo Văn kiện cũng đề cập đến.

Đó là phát triển manh mẽ văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong tình hình hiện nay đặt ra nhiều vấn đề mới, đại biểu Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Theo Nhật Nam/Chính phủ