Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Trung ương quyết định tại Hội nghị lần thứ 14, khóa XII là nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng được Trung ương quyết định tại Hội nghị lần thứ 14, khóa XII là nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Công việc hệ trọng này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng đồng chí Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết. Bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Để có được kết quả với sự đồng thuận rất cao của các đồng chí Trung ương trong quyết định một vấn đề rất quan trọng – công tác nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ tới là cả một quá trình chuẩn bị rất bài bản, công phu, cẩn trọng thể hiện qua lộ trình thực hiện khoa học, kỹ lưỡng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII cho biết, lần đầu tiên Bộ Chính trị khóa XII thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2025; ban hành Kế hoạch số 11 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2025, trong đó nhấn mạnh “Phương châm của quy hoạch là làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó”. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, khác với trước đây, lần này không quy hoạch cho nhiều khóa mà chỉ tập trung quy hoạch cho khóa tới (2021-2025). Quy hoạch lần này không làm đồng thời các chức danh mà từng bước, nghĩa là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Để cụ thể hóa về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh quy hoạch, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 90 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này nêu rõ tiêu chuẩn chung cũng như tiêu chuẩn chức danh cụ thể với Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư… Quy định 90 đến đầu năm 2020 được sửa đổi, bổ sung thành Quy định 214. Quy định này nêu, Tổng Bí thư phải là người “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”.
Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (tháng 12/2018) đã cho ý kiến về việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Trung ương nhiệm kỳ 2021-2025 để Bộ Chính trị xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Đây là những cán bộ lần đầu được giới thiệu vào Trung ương.
Tới Hội nghị 12 (tháng 5/2020), Trung ương đã quyết định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; thảo luận về tiêu chuẩn Ủy viên Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự liên quan.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông cho biết, tháng 7/2020, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã gửi thư đến các Ủy viên Trung ương khóa XII, đề nghị từng người đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thay thế mình. Hội nghị Trung ương 13, khóa XII (tháng 10/2020), tiếp tục xem xét công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông cho biết từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người.
Tính đến 20/8/2020, đã có 116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 Ủy viên Trung ương đương nhiệm (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Trung ương khóa mới; 107 người lần đầu tham gia Ủy viên chính thức và 44 người tham gia Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa XIII.
Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng gồm: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương liên quan thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ngay sau Hội nghị Trung ương 13, căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 2/11, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Và kết quả của Hội nghị Trung ương 14 khóa XII (tháng 12/2020), Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Công tác nhân sự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần lưu ý là vấn đề cực kỳ hệ trọng bảo đảm sự thành công của Đại hội. “Phải có nhận thức sâu sắc, dày công chăm lo cho công tác này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thực hiện đúng nguyên tắc, tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, làm đến đâu chắc đến đó"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói. Thành công của Hội nghị Trung ương 14 là kết quả của những bước đi bài bàn, cẩn trọng trong các khâu chuẩn bị cho công tác nhân sự của Đảng.
Kết thúc Hội nghị 14, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới. Đây là Hội nghị Trung ương cuối cùng của khóa XII để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin