Mấy ngày qua, người viết xem và đọc những thông tin liên quan đến việc cô giáo H. dạy âm nhạc tại một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang bị học sinh nhốt trong lớp, xúc phạm và ném dép vào người cô giáo gây xôn xao trên mạng xã hội mà buồn đến não lòng.
Mấy ngày qua, người viết xem và đọc những thông tin liên quan đến việc cô giáo H. dạy âm nhạc tại một trường THCS ở tỉnh Tuyên Quang bị học sinh nhốt trong lớp, xúc phạm và ném dép vào người cô giáo gây xôn xao trên mạng xã hội mà buồn đến não lòng.
Buồn vì giới trẻ giờ sao cứ thích cư xử bằng bạo lực, hễ đụng chuyện là cứ mang bạo lực ra để giải quyết. Điều đáng buồn hơn khi các em dùng bạo lực để hành xử với người thầy của mình.
Từ xưa, ông bà ta đã từng khuyên dạy “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Câu này có nghĩa là một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Hàm ý của câu nói là nhắc nhở mỗi người chúng ta về đạo nghĩa thầy trò, truyền thống tôn sư trọng đạo. Thầy cô là những người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta. Họ đã có công truyền đạt tri thức, dạy dỗ chúng ta những điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, giúp cho chúng ta trở thành người hữu ích về sau. Vì thế, bổn phận là học trò thì phải biết vâng lời, lễ phép và kính trọng thầy cô của mình. Đó là đạo lý được lưu truyền từ đời này sang đời khác của người Việt Nam.
Trở lại vụ cô giáo ở Tuyên Quang, có thông tin cho rằng trước khi xảy ra vụ việc giữa cô giáo và học sinh có những khúc mắc trong giờ học và cô giáo có những hành vi, lời lẽ không hay khiến học sinh bức xúc nên xảy ra vụ việc.
Thiết nghĩ, nếu giáo viên phát ngôn, hành động sai thì đã có nhà trường, ngành chức năng xem xét xử lý theo đúng mức độ vi phạm. Còn việc nhóm học sinh có hành động nhốt cô giáo trong lớp, xúc phạm và ném dép vào người cô giáo là việc không thể chấp nhận được của người học trò đối với người thầy của mình với bất cứ lý do nào. Hành động như thế là không tôn trọng, hạ thấp vị thế của người thầy, trái với đạo lý tôn sư trọng đạo được lưu truyền bao đời nay của dân tộc Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là mới ở độ tuổi của học sinh lớp 6, lớp 7, mà các em đã có hành vi của những người bạo lực, côn đồ, lưu manh như thế. Nếu không can thiệp kịp thời thì sau này lớn lên các em sẽ trở thành người thế nào. Làm sao giáo dục, dạy dỗ được các em. Rồi tương lai của các em sẽ đi đâu, về đâu.
Để giáo dục được các em thì điều tiên quyết là các em phải có sự tôn trọng người thầy của mình. Các bậc phụ huynh phải là những người thường xuyên giáo dục cho trẻ lòng biết ơn, sự lễ phép và kính trọng đối với thầy cô. Giúp các em nhận thức được việc tôn trọng người thầy của mình là nhiệm vụ cao cả của người học sinh. Các em muốn học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai thì đòi hỏi phải tôn trọng người thầy của mình. Có như vậy các em mới tập trung tiếp thu kiến thức và phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập.
NGUYỄN VĂN DÔ