"Ranh giới"... lòng người

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 05/12/2023 (GMT+7)

Vừa qua, người viết có đến một chợ lớn ở TP Vĩnh Long để mua đồ, vừa tấp xe gắn máy vào dãy cửa tiệm bán đồ nhựa thì 2 chủ tiệm ùa ra tiếp đón “nhiệt tình” mời gọi vào mua, quá bối rối không biết chọn ai nên người viết đành chọn tiệm của người đàn ông vì thấy vắng khách.

Do tấp lề quá trớn nên nửa bánh xe trước lấn qua phần ranh của chủ tiệm bán kế bên. Tức thì bị bà chủ la ó, bảo phải lui bánh xe về phần tiệm đang mua, không được đậu “lấn ranh”.

Người viết nói nhẹ như nài nỉ: “Cho tôi đậu nhờ chút, mua xong tôi đi liền”, nhưng bà chủ nhất quyết không cho mặc dù tiệm của bà ấy không có khách và chỗ đậu xe là… lề đường. Người viết lui xe xong, ông chủ nói nhỏ: “Lần sau, anh có đến mua thì cần chú ý chỗ đậu xe, đừng lấn qua phần người khác dù một tí nhỏ”.

Người viết đem câu chuyện kể lại cho người chị ở quê nghe, nào ngờ chị ấy cho hay chị cũng bị trường hợp tương tự. Chị kể hôm bữa chị đi chợ xã, ghé một tiệm tạp hóa trong nhà lồng chợ mua đồ. Do đã mua một giỏ xách nặng, để đỡ mệt nên chị đã để chiếc giỏ xách lấn qua ranh của tiệm kế bên, thì liền bị chủ tiệm kêu dời đi, không cho để!

Người bán ở chợ tận dụng tối đa từng tất đất, mặt bằng để kinh doanh và việc cạnh tranh mua bán cũng trở nên gay gắt, từ đó cách hành xử, tình người giữa những người bán ở một số chợ càng trở nên lạnh nhạt.

Từ việc cái “ranh giới” ở chợ, người viết thiết nghĩ, diện tích chiếm chỗ của cái bánh xe hay cái giỏ xách mà người viết nêu trên không đáng là bao so với diện tích đất ruộng, vườn mà nhiều hộ dân đã hiến để cùng với Nhà nước xây dựng các công trình phục vụ cho lợi ích cộng đồng!

Thế mới thấy, trong việc mua bán ở chợ hay các hoạt động thường nhật khác, nếu người mua có lỡ đậu xe hay để đồ vật “lấn ranh” một tí mà có sự chia sẻ, cảm thông nhau thì hay biết mấy. Đó cũng là góp phần xây dựng chợ văn minh.

MỸ TRUNG