Vấn đề tôi muốn nói ở đây là việc ở những khu dân cư rất nhiều nhà cứ lấn dần ra vỉa hè. Nhà này lấn nhà kia cũng "mạnh dạn" lấn theo nên thành ra từng đoạn vỉa hè "mặc nhiên" được phân chia thành "sở hữu riêng" của từng nhà (ảnh).
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là việc ở những khu dân cư rất nhiều nhà cứ lấn dần ra vỉa hè. Nhà này lấn nhà kia cũng “mạnh dạn” lấn theo nên thành ra từng đoạn vỉa hè “mặc nhiên” được phân chia thành “sở hữu riêng” của từng nhà (ảnh).
Điều dễ dàng thấy nhất là ở những khu phố, khu dân cư có khoảng vỉa hè trước nhà khi có căn nhà mới nào vừa xây xong là sẽ có ngay bộ bàn đá mới toanh “đặt gạch”. Liền sau đó, theo thời gian, chậu hoa, cây kiểng, mái che,… lần lượt được nới ra, nới ra.
Nếu như một bộ bàn đá đặt trên vỉa hè để ngồi hóng mát, uống trà, chơi cờ tướng,… (còn khoảng trống cho người đi bộ, đậu xe) thì vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng trên thực tế, vỉa hè ở những khu dân cư phần nhiều bị “trưng dụng” với suy nghĩ “trước nhà tôi là của tôi”.
Ở thị thành, đất chật người đông, ai cũng ao ước có được một căn nhà rộng rãi, thông thoáng. Tuy nhiên, không vì thế mà lại đi chiếm dụng vỉa hè. Hãy nhìn lại mà xem! Muôn kiểu chiếm dụng vỉa hè thành ra khu phố nào vỉa hè bị lấn chiếm nhiều là trở nên vô cùng nhếch nhác, mất mỹ quan. Việc lấn chiếm vỉa hè giống như một vết dầu loang, từ chỗ này lan dần sang chỗ khác thành ra “mất dần” nét đẹp nơi đô thị văn minh, hiện đại, trong đó có cả nhà mình. Càng muốn “rộng” càng thấy “hẹp” là vậy!
Việc chiếm dụng vỉa hè xuất phát từ ý thức của người dân chưa cao. Do đó, rất cần sự tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, cần thiết thì cũng nên có chế tài xử lý nghiêm của cơ quan chức năng. Không nên để vấn nạn lấn chiếm vỉa hè này diễn ra lâu dài, bởi nó vừa tác động theo chiều hướng dần hình thành thói quen xấu của người dân vừa làm “xấu” bộ mặt của đô thị.
Bài, ảnh: MINH KHOA