Trong môn Tiếng Việt và Khoa học lớp 4, lớp 5, học sinh đã được tiếp cận với vấn đề về giới tính, sự phân biệt giữa nam và nữ. Ngoài ra, các kiến thức này còn được tích hợp ở nhiều môn học khác như: Tự nhiên xã hội, Lịch sử trong bậc tiểu học.
Trong môn Tiếng Việt và Khoa học lớp 4, lớp 5, học sinh đã được tiếp cận với vấn đề về giới tính, sự phân biệt giữa nam và nữ. Ngoài ra, các kiến thức này còn được tích hợp ở nhiều môn học khác như: Tự nhiên xã hội, Lịch sử trong bậc tiểu học.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, khó diễn đạt để học sinh tiểu học có thể hiểu được một cách đúng đắn. Giáo dục giới tính quá sớm sẽ giống như “con dao hai lưỡi”. Chúng ta “dạy hươu chạy đúng đường”, nhưng cũng có thể sẽ kích thích trẻ quan tâm đến các vấn đề tế nhị một cách không cần thiết.
Hiện nay, trẻ em phát triển sớm hơn so với các thế hệ trước. Nhiều trường hợp dậy thì ở độ tuổi lớp 4, lớp 5. Do đó, phương pháp giáo dục giới tính cũng phải thay đổi. Bởi nếu để lên các cấp cao hơn mới dạy các em về giới tính thì e là quá muộn. Theo tôi, việc giáo dục giới tính ở bậc tiểu học không hề sớm mà quan trọng là cách giảng dạy cho các em như thế nào mà thôi.
Ở độ tuổi này, các em có thể đưa ra những câu hỏi, thắc mắc ngây ngô nhưng cũng rất cần phải trả lời một cách trung thực, tế nhị và thẳng thắn để giúp các em hiểu đúng chứ không nên né tránh. Dù vậy, các giáo viên vẫn sợ các em biết rồi lại tò mò tìm hiểu dẫn đến “chạy sai đường”.
Do đó, ngành giáo dục cần có những buổi tập huấn, hội thảo hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức mới để giáo viên tự tin hơn khi giảng dạy, có thêm nhiều phương pháp bổ ích nhằm trang bị cho các em nhiều kiến thức hơn nữa về giới tính ngay ở bậc tiểu học.
Khi dạy về giới tính, thiết nghĩ giáo viên cần phải lưu ý dùng từ ngữ chuẩn mực và phù hợp với lứa tuổi, giới tính của trẻ; dạy riêng cho nhóm các học sinh nam, nhóm học sinh nữ. Như vậy các em sẽ tự nhiên và cởi mở hơn.
Chắc chắn rằng học sinh cũng sẽ hỏi những câu liên quan đến vấn đề giới tính và những gì các em tò mò muốn biết. Thông thường, với những câu hỏi nhạy cảm, giáo viên hay phụ huynh sẽ có xu hướng né tránh, hẹn sau này lớn lên trẻ sẽ hiểu.
Theo tôi, cách giải thích như vậy càng làm trẻ tò mò hơn và sẽ tự đi tìm hiểu ở nguồn khác như qua bạn bè, internet, phim ảnh… Giáo viên nên giải thích cặn kẽ cho trẻ bằng ngôn từ và nội dung phù hợp.
Bên cạnh đó, giáo dục giới tính cho các em không chỉ là trong giờ học theo quy định của Bộ GD-ĐT mà còn cần sự gần gũi chia sẻ bất cứ lúc nào, thậm chí vấn đề này các bậc phụ huynh, ông bà của các em cũng cần chú trọng giảng giải, chia sẻ ở nhà...
Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, học sinh ngay từ bậc tiểu học rất cần có những hiểu biết, kỹ năng về giới tính để không bị lệch lạc, hiểu sai về vấn đề giới tính. Giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học cần ở mức độ vừa phải theo kiểu “định hướng” lối đi là rất phù hợp.
Ngoài chương trình giáo dục giới tính trong sách giáo khoa, nhà trường cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, chú trọng thêm việc dạy kỹ năng, có thêm tranh ảnh minh họa sinh động để học sinh tiếp cận vấn đề giới tính một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn...
ĐẶNG ĐỨC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin