Theo thông lệ, khi bước vào những tháng cuối năm là không chỉ sinh viên, mà rất nhiều người lao động ngoại tỉnh thường đổ dồn về đô thị, nhất là các thành phố lớn để tìm việc làm thêm lấy tiền dành chi tiêu cho dịp Tết.
(VLO) Theo thông lệ, khi bước vào những tháng cuối năm là không chỉ sinh viên, mà rất nhiều người lao động ngoại tỉnh thường đổ dồn về đô thị, nhất là các thành phố lớn để tìm việc làm thêm lấy tiền dành chi tiêu cho dịp Tết.
Vẫn biết rằng dịp cuối năm luôn có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, quán xá,… cần tuyển lao động thời vụ với số lượng lớn, nhưng người lao động thì không phải ai cũng trực tiếp xin được việc làm, mà phần đông đều phải nhờ vào các trung tâm môi giới hoặc thông qua các tờ rơi quảng cáo dán nơi công cộng, hay qua các trang mạng xã hội.
Thế nhưng, ngoài các trung tâm môi giới việc làm có uy tín ra, từ nhiều năm nay vẫn luôn có không ít các cơ sở môi giới việc làm “dởm”.
Bản chất của họ là lừa gạt, nhằm thu tiền phí môi giới của người lao động, nhưng lại không hề tìm việc làm cho họ. Đã có nhiều sinh viên, người lao động thời vụ “dính” phải các cơ sở môi giới việc làm “dởm”, nên họ vừa mất tiền oan vừa không có việc làm.
Thủ thuật của các cơ sở môi giới việc làm kiểu này là thường giới thiệu: việc nhẹ nhưng lương lại cao, khiến cho rất nhiều người mắc bẫy.
Ví dụ, có nơi quảng cáo rằng “tuyển nhân viên làm hàng mùa Tết với mức lương 40.000 đ/giờ, làm việc trong nhà có máy lạnh; cùng nhiều ưu đãi khác nữa…” hay “Đóng gói hàng tết, làm 8 tiếng/ngày, công việc nhàn hạ, lương 9 triệu, bao ăn ở…”.
Khi người lao động đọc được các thông tin vô cùng hấp dẫn đó, họ đã bị “cắn câu” và tìm đến địa chỉ của các trung tâm, cơ sở môi giới việc làm này.
Điều đầu tiên mà các cơ sở dởm “vẽ” ra là bắt người tìm việc phải đóng một số tiền, từ tiền hồ sơ, tiền quần áo đồng phục, tiền giữ chỗ, tiền này tiền nọ… nói chung là người xin việc có thể phải đóng từ 300.000 - 500.000đ. Sau đó, cơ sở môi giới việc này sẽ yêu cầu “chờ và chờ”.
Tuy nhiên, do đã có ý định lừa gạt nên các trung tâm, cơ sở môi giới dởm thường không hề tìm việc làm cho ai, họ khất lần, hẹn hoài cho tới khi người tìm việc chán nản.
Tới đòi lại tiền cũng không thể được, vì “kế toán đi vắng”, hẹn ngày mai, ngày mốt… cho đến khi người lao động không tới nữa…
Từ thực trạng như vậy, thiết nghĩ sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm việc làm thời vụ cần hết sức thận trọng, cảnh giác.
Hãy tìm tới các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, thành phố đó, các tổ chức uy tín để ghi danh tìm việc, hoặc trực tiếp tới các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, dịch vụ, quán hàng… để xin tuyển dụng. Điều mà sinh viên, người lao động luôn phải nằm lòng, đó là: không có cái gì gọi là “việc nhẹ, lương cao” cả!
ĐẶNG ĐỨC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin