Bấy lâu nay, nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chú đầu tư cho con cái hết học chính đến học thêm để vượt qua các kỳ thi, mà quên chia sẻ và hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn trong học tập và hướng nghiệp.
(VLO) Bấy lâu nay, nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chú đầu tư cho con cái hết học chính đến học thêm để vượt qua các kỳ thi, mà quên chia sẻ và hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn trong học tập và hướng nghiệp.
Sự hoang mang vì không được thổ lộ và tìm kiếm nguồn hỗ trợ tâm lý, cộng với nhiệm vụ học tập nặng nề và những yêu cầu quá sức từ gia đình và nhà trường đã tạo nên áp lực tâm lý rất lớn đối với học sinh, nhất là học sinh cuối cấp THPT, đó là lớp 12.
Chúng ta cần biết rằng, giai đoạn đầu tuổi thanh niên là thời kỳ diễn ra những thay đổi quan trọng về vị thế xã hội, tạo ra những thách thức khách quan đối với cuộc sống của học sinh.
Tuy nhiên do trình độ phát triển tâm lý chưa chín muồi cùng với những thiếu sót trong giáo dục ở gia đình, nhà trường và xã hội, một số thanh niên học sinh chưa xác định được ý nghĩa của cuộc sống, không có định hướng nghề nghiệp và do đó không thể lập được cho bản thân một kế hoạch sống cụ thể.
Vì thế, khi đối diện với những vấn đề về học tập và chọn nghề, các em dễ hoang mang và có những đáp ứng tiêu cực.
Các em học sinh lớp 12 thường gặp khó khăn về cảm xúc trí tuệ ở mức độ cao nhất. Sự “mệt mỏi”, “sức ép” và sự “thất vọng khi không đạt được mục tiêu” là 3 cảm nhận thường xuyên của học sinh.
Về mặt nhận thức, học sinh gặp khó khăn trong khả năng tiếp thu bài vở, xác định động cơ học tập và tự đánh giá bản thân. Khó khăn trong hành vi thể hiện chủ yếu qua cách học “đợi nước đến chân mới nhảy”, “làm việc riêng” và “không tuân theo kế hoạch”.
Khi gặp khó khăn tâm lý trong học tập thường các em học sinh lớp 12 tập trung sử dụng các đáp ứng hướng vào giải quyết vấn đề. Ngoài ra, các em cũng sử dụng đáp ứng định hướng thuộc cảm xúc và tìm sự né tránh.
Với cường độ học tập khá cao, khối lượng công việc được giao vượt quá khả năng thực hiện, các em không có thời gian cần thiết để phục hồi sức làm việc sau một ngày học và sự mệt mỏi thể chất cũng ảnh hưởng nhiều đến các quá trình nhận thức, cảm xúc và ý chí.
Chính vì những áp lực học tập nặng nề của học sinh lớp 12 như vậy nên nhà trường cần tổ chức hoạt động dạy học hợp lý, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, tránh tạo áp lực không cần thiết cho các em.
Theo tôi, giáo viên cần chú trọng đến đặc điểm tính cách, học lực của từng học sinh, và nhận thức sự khác nhau trong chọn lựa các đáp ứng tâm lý của cá nhân học sinh để có những tác động hỗ trợ phù hợp, giúp các em kịp thời vượt qua khó khăn trong học tập.
Về phía học sinh, các em cần được hướng dẫn và giảng dạy cách đáp ứng mình lựa chọn sẽ mang lại hiệu quả hay bất lợi gì cho sự phát triển bản thân để biết cách điều chỉnh.
Ngoài ra, việc trang bị cho các em những kỹ năng về lập kế hoạch, xác định mục tiêu, ưu tiên công việc và rèn tính kỷ luật trong khi thực hiện những kế hoạch học tập và rèn luyện là rất cần thiết...
NGUYỄN THỊ LOAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin