Qua đường dây nóng

Vụ đốn cây chống sạt lở kinh rạch ở Mỹ An: Thực hiện có lý, có tình

Cập nhật, 06:48, Thứ Tư, 09/10/2019 (GMT+7)

Anh Nguyễn Văn Tâm (thứ nhất từ phải qua) có 90 cây dừa, trong đó có 60 cây đang cho trái. Anh sẵn sàng đốn hạ cây khi Nhà nước có tiến hành làm đường.
Anh Nguyễn Văn Tâm (thứ nhất từ phải qua) có 90 cây dừa, trong đó có 60 cây đang cho trái. Anh sẵn sàng đốn hạ cây khi Nhà nước có tiến hành làm đường.

Báo Vĩnh Long số 4647 ngày 6/9/2019 đã đăng bài “Vụ đốn cây chống sạt lở kinh rạch ở Mỹ An: Cần tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hợp lý, hợp tình” đã nhận phản hồi tích cực từ người dân.

Tuy nhiên, gần đây chúng tôi lại tiếp tục nhận được phản ánh của một số hộ dân ở ấp Thanh Hương (xã Mỹ An -Mang Thít). Bà con nơi đây mong muốn giữ lại một số cây ăn trái trên các tuyến đê bao thuộc ấp Thanh Hương với lý do là “ngọn cùn” không ảnh hưởng đến đường giao thông- thủy lợi. 

Lần theo đường dây nóng, chúng tôi đến “ngọn cùn” ấp Thanh Hương- điểm giao của 3 xã: Hòa Tịnh, Long Mỹ và Mỹ An- con sông nơi đây được phù sa bồi đắp nên lòng sông cạn, nước chảy rất chậm, tàu bè hầu như không qua lại.

Dẫn chúng tôi đi trên đê bao giữa đôi hàng dừa xanh thẫm, anh Nguyễn Văn Tâm (ấp Thanh Hương) cho biết: “Con sông này một năm ghe đi vào lấy lúa 3 lần trong con nước ngày rằm và 30, ngoài ra không có tàu bè gì qua lại thì làm sao lở được mà vận động chúng tôi đốn cây. Chủ trương của chính quyền xã không phải là không đúng, nhưng đốn cây xong mà không làm gì, chúng tôi nhìn thấy xót của lắm”.

Đồng quan điểm với anh Tâm, chú Phan Văn Lăng (ấp Thanh Hương) cho biết: “Có hàng cây trước nhà chặn gió lại, nếu không tốc nóc nhà hết. Tuyến đê bao từ cầu Miễu vào tới cuối ngọn sình đất khó đi nên người dân tự hùn tiền với nhau đổ đá 3 lần rồi. Nếu như đốn cây làm đường sá thì người dân hoan nghênh tự ra đốn luôn, còn không thì nên để lại cho người dân tăng thêm thu nhập”.

Ông Nguyễn Văn Bốn (ấp Thanh Hương) chỉ vào những cây bạch đàn đã đốn nằm cặp 2 bên đường, cho biết: “Thực hiện theo chủ trương của xã, tôi thấy những cây cao, cây bự gây nguy hiểm nên đã tự đốn 15 cây bạch đàn, còn những cây dừa nhỏ và lùn này xin không đốn để ăn trái nhưng xã vẫn vận động đốn. Tôi thấy không hợp lý vì đây là ngọn cùn không có tàu bè gây sạt lở mà đốn xong bỏ trống đất thì tiếc lắm”.

Liên hệ với chính quyền xã Mỹ An, chúng tôi được ông Huỳnh Ngọc Thắng- Chủ tịch UBND xã Mỹ An- cho biết: “Sau khi bài báo được đăng, chúng tôi đã dừng việc triển khai và rà soát lại việc đốn cây. Chính quyền xã cũng nhận khuyết điểm là không kiểm soát việc trồng cây của người dân trên các tuyến đê bao.

Theo chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã hiện tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền thuyết phục để người dân đồng ủng hộ việc đốn cây, khi người dân đồng tình chúng tôi mới thực hiện. Song song đó, thực hiện việc xây nông thôn mới từ nay đến 2022 sẽ về đích vì thế cần tuyến đường ngang 3m để làm đường đan và trồng kiểng, hoa.

Hiện thời, tuyến đường này chỉ khoảng 1,6m nên cần đốn mở rộng. Dự kiến sau khi dọn dẹp xong các tuyến đường đê bao, chính quyền xã sẽ cùng người dân làm các tuyến đường khang trang sạch đẹp hơn”.

Thiết nghĩ, chính quyền xã cần tiếp tục làm tốt công tác vận động cũng như công tác dân vận, nói rõ mục đích thực hiện để dân hiểu và tự đốn những cây gây mất an toàn hành lang lưới điện, mất an toàn giao thông, có khả năng gây sạt lở.

Ngoài ra, khi chính quyền xã tiến hành làm đường giao thông nông thôn mới thực hiện đốn các cây còn lại. Có như thế sẽ tạo được đồng thuận của người dân nơi đây, công tác vận động xây đường dễ dàng hơn và mục tiêu nông thôn mới sẽ không còn xa.

Bài, ảnh: TẤN TÂN