Thi hành án trong trường hợp người bị thi hành án không đứng tên quyền sở hữu tài sản

Cập nhật, 05:59, Thứ Sáu, 04/10/2019 (GMT+7)

Mẹ tôi có thiếu nợ một người, không khả năng chi trả, người này kiện mẹ tôi ra tòa. Do mẹ tôi không có tiền để thi hành án nên bị kê biên nhà ở, nhưng nhà ở do cha tôi đứng tên, cha tôi không biết việc mẹ tôi thiếu nợ và không liên quan, như vậy trường hợp này được giải quyết như thế nào?

Nguyễn Ngọc Nhã (Vũng Liêm)

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ chồng có nghĩa vụ chung về tài sản sau: Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, xét quyền sở hữu của mẹ bạn đối với nhà đứng tên cha bạn: Theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Như vậy, trường hợp tài sản chỉ đứng tên cha bạn nhưng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và nếu không có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng của cha bạn thì đó là tài sản chung của cha mẹ bạn. Cơ quan thi hành án có quyền kê biên phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mẹ bạn.

PHÒNG BẠN ĐỌC