Qua đường dây nóng

Vụ đốn cây chống sạt lở kinh rạch ở Mỹ An: Cần tuyên truyền sâu rộng và thực hiện hợp lý, hợp tình

Cập nhật, 11:10, Thứ Sáu, 06/09/2019 (GMT+7)

Qua đường dây nóng, Vinhlong online nhận được phản ánh của một số hộ dân ở xã Mỹ An (Mang Thít) không đồng tình cách làm của chính quyền xã là tiến hành đốn hạ hết các cây trên các tuyến đê bao thuộc 2 ấp An Hưng và An Hương 1 do gây sạt lở, ảnh hưởng đến đường giao thông- thủy lợi. 

Bà con cho rằng cần phải có khảo sát nơi nào cần đốn, nơi nào không nhằm giữ lại một số cây ăn trái và bảo vệ tuyến đê bao này.

Lãnh đạo địa phương mong bà con chia sẻ, đốn cây để giữ đường đi công cộng.
Lãnh đạo địa phương mong bà con chia sẻ, đốn cây để giữ đường đi công cộng.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến ấp An Hưng vào một ngày cuối tháng 8. Trên đôi bờ sông, các cây dừa, tre, xoài, gừa, chuối… bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Một số hộ dân cho biết chính quyền xã không họp dân mà chỉ thông báo qua “chiếc xe honda gắn loa chạy khắp ấp”.

Chú Lê Văn Khải (ngụ ấp An Hưng) phản ánh: “Tui thấy ở ngoài đốn vô. Tính khúc ngoài sạt lở đốn rồi thôi, ai ngờ đốn riết tới trong này mà không cho hay gì hết trơn. 11 cây dừa tôi trồng được 8 năm rồi, đang sai trái, bán cũng được 1 triệu/tháng để chi tiêu trong nhà, vậy mà đốn ngang”.

Tương tự tình cảnh trên, anh Hồ Văn Thẹo (ấp An Hương 1) cho biết: “Chính quyền không có họp dân, vận động tới đâu đốn tới đó. Tôi thấy chỗ nào sạt lở thì đốn chứ đốn hết vậy cũng thiệt hại cho dân quá”.

Chú Cao Văn Rạng (ấp Thanh Hương) ở trong ngọn cùng của rạch Củi, cũng bức xúc: “Chính quyền địa phương kêu tôi đốn hàng cây, tôi thấy không cần thiết vì đây là ngọn cùng, nhỏ xíu, không có dòng chảy vào nên không sạt lở được. Tôi mong chính quyền cho tôi giữ lại hàng dừa làm thu nhập cho gia đình”.

Liên hệ với chính quyền xã Mỹ An, chúng tôi được ông Huỳnh Ngọc Thắng- Chủ tịch UBND xã Mỹ An- cho biết: “Thực hiện chủ trương về phòng chống thiên tai lụt bão, hiện nay trên địa bàn xã Mỹ An có nhiều đoạn sạt lở nguy hiểm làm ảnh hưởng đến giao thông nông thôn, cũng như là lối đi của bà con.

Khoảng tháng 5, chính quyền có thông báo đến từng người dân nhắc nhở đốn cây để trả lại tuyến đê bao và lộ trên đất công do Nhà nước quản lý. Đến đầu tháng 8, chúng tôi tiếp tục thông báo đến từng hộ dân để đốn cây, qua đó có một số trường hợp là tự đốn.

Chính vì thế, UBND xã Mỹ An bàn xin ý kiến Đảng ủy có chủ trương chung là cho chúng tôi xuất ngân sách để đốn cây chống sạt lở. Việc này chúng tôi có đến từng hộ dân cũng như thông báo qua loa để người dân biết”.

Về việc đốn cây ở 2 ấp An Hưng và An Hương 1, ông Huỳnh Ngọc Thắng cũng lý giải thêm: “Các đoạn sạt lở trên địa bàn khoảng 6 đoạn do cây trồng trên các lộ cũng như là đê bao. Cụ thể là nước dâng, mưa xuống mà cây không đốn, không mé dẫn đến nước nong vô rễ cây, làm cho đất mềm đi.

Gió thì cây trốc gốc ngã làm sạt lở bờ sông, cũng như sạt lở các đường giao thông nông thôn. Qua đây, cũng mong bà con chia sẻ với địa phương là đốn các cây bà con trồng trên phần đất của Nhà nước quản lý để giữ đường đi công cộng, đường giao thông nông thôn”.

Đem những trăn trở này đến UBND huyện Mang Thít, chúng tôi được ông Nguyễn Chí Quyết- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Phòng chống thiên tai huyện- trả lời: UBND huyện, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai của huyện có chủ trương là tuyên truyền vận động, phát động bà con tiến hành rong mé, đốn những cây có khả năng ngã đổ, làm mất an toàn các công trình lưới điện, gây mất an toàn giao thông cũng như gây khả năng sạt lở các công trình giao thông thủy lợi.

Cách làm của Mỹ An là theo chủ trương của huyện nhưng về cách thức tuyên truyền thì xã làm chưa sâu rộng, chưa sâu sát đến từng hộ dân nên một số hộ chưa đồng tình. Hướng tới, huyện sẽ giao cho xã tiến hành họp dân để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thông báo rộng rãi hơn nữa để bà con tự giác chấp hành.

Đối những cây gây mất an toàn hành lang lưới điện, mất an toàn giao thông, có khả năng gây sạt lở thì mới đốn chứ không phải là đốn toàn bộ, còn một số cây hỗ trợ cho việc chống sạt lở thì chúng ta phải vận động trồng thêm là giải pháp kè mềm. Qua vụ việc ở Mỹ An, tôi đề nghị các xã khác trong huyện rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện bài bản hơn, tốt hơn.

Từ phản ánh của bà con, thiết nghĩ chính quyền xã Mỹ An cần phải tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về chủ trương của địa phương, đồng thời phải tiến hành khảo sát, thực hiện việc đốn cây ở các đoạn có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng lưới điện cũng như công trình giao thông nông thôn. Có như thế, thì chủ trương của huyện và của xã sẽ được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGUYÊN KHÁNH