Đừng chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật, 05:59, Thứ Sáu, 04/10/2019 (GMT+7)

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ muỗi bởi những diễn biến bất thường của bệnh và đang gia tăng cao tại nhiều địa phương trong cả nước. 

Người dân cần chủ động các biện pháp diệt lăng quăng phòng ngừa và đến sớm các cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sốt cao 2 ngày để điều trị kịp thời.
Người dân cần chủ động các biện pháp diệt lăng quăng phòng ngừa và đến sớm các cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sốt cao 2 ngày để điều trị kịp thời.

Riêng tại Vĩnh Long, tính đến đầu tháng 10 các trường hợp mắc bệnh SXH tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, với trên 2.100 ca. Nhiều ổ dịch nhỏ được khống chế nhưng sau đó vẫn tái phát và điều đáng quan tâm là người dân vẫn còn chủ quan trước căn bệnh nguy hiểm này.

Mặc dù ngành y tế triển khai hàng loạt các biện pháp khống chế bệnh SXH nhưng số ca mắc bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa có dấu hiệu chựng lại mà còn tiếp tục gia tăng. Theo ngành y tế, bệnh SXH sẽ khó giảm khi người dân còn chủ quan.

Những vật dụng chứa nước trong nhà có lăng quăng không khó tìm thấy ở hộ dân, đặc biệt là những địa phương có nhiều trường hợp mắc bệnh SXH mật độ muỗi, lăng quăng còn rất cao và đây không chỉ là điều kiện để bệnh lây lan mà cũng là khó khăn trong công tác khống chế bệnh.

Chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh và dập kịp thời các ổ dịch nhỏ cũng được ngành y tế tăng cường thực hiện trong những tháng qua. Song, hiệu quả chỉ dừng lại trong thời gian ngắn và bệnh vẫn tăng trở lại.

Theo chị Thạch Thị Sô Phu (Khoa Kiểm soát bệnh tật- Trung tâm Y tế huyện Tam Bình), trong quá trình đi vận động người dân phòng bệnh SXH cũng gặp nhiều khó khăn bởi người dân biết về bệnh này còn hạn chế. “Họ chỉ nghĩ đơn giản bệnh này điều trị được, bị bệnh thì nhập viện điều trị vài ngày xuất viện.

Không ít người dân thiếu hợp tác, cán bộ y tế xuống phun thuốc dập dịch thì không đồng ý cho vào nhà phun nên chúng tôi chỉ phun vòng vòng ở ngoài. Người dân không biết con muỗi SXH thích sống trong nhà nên phun không hiệu quả”- chị Sô Phu cho biết.

Các trường hợp mắc bệnh SXH diễn tiến rất phức tạp, có rất nhiều thể nặng rơi vào sốc, xuất huyết… và nguy cơ tử vong rất cao. Việc người dân còn chủ quan và không ít trường hợp sốt tự mua thuốc ở nhà hoặc tự uống thuốc Nam điều trị, nên khi đến bệnh viện thì đã sốt ngày thứ 6, thứ 7 nên việc điều trị gặp khó khăn.

Bệnh SXH hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng ngừa là nên ngủ mùng để tránh muỗi đốt và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để nước đọng làm phát sinh lăng quăng.

Đồng thời, khi bị sốt cao liên tục cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán điều trị kịp thời, không được chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà.

MAI ANH