"Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Có thể thiếu thuốc này nhưng cần có thuốc khác thay thế hoặc thiếu trang thiết bị này thì có loại khác", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý tại hội nghị trực tuyến hướng dẫn các sở y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và doanh nghiệp… triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa được Bộ Y tế tổ chức.
Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại BVĐK Vĩnh Long. |
“Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Có thể thiếu thuốc này nhưng cần có thuốc khác thay thế hoặc thiếu trang thiết bị này thì có loại khác”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý tại hội nghị trực tuyến hướng dẫn các sở y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và doanh nghiệp… triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa được Bộ Y tế tổ chức.
Trên 80% vướng mắc đã được giải quyết
Hội nghị phổ biến các văn bản tháo gỡ “nút thắt” trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế kết nối với điểm cầu Bộ Y tế có gần 1.300 điểm cầu trên cả nước.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 2 văn bản của Chính phủ vừa ban hành liên quan đến các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian hiện nay hết sức quan trọng, căn cơ. Qua đó, bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong công tác mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với một số nội dung. Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước.
Đại diện các sở y tế và bệnh viện đánh giá hiện 80-90% vướng mắc đã giải quyết, song các quy định mới chỉ có tính ngắn hạn. Việc gia hạn giấy phép đến hết năm 2024 hay cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Như vậy, nếu hết năm 2023 hay năm 2024 thì các khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế có thể lại tái diễn.
Dược sĩ Nguyễn Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay khi 2 văn bản ban hành, sở đã họp với các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. Hầu hết các cơ sở này đều đánh giá rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết khoảng 80% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất.
“TP Hồ Chí Minh được tài trợ nhiều trang thiết bị phục vụ chống dịch, Sở Y tế đã phân bổ cho các bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh. Thời gian qua các bệnh viện cũng lo lắng việc sử dụng các máy này sẽ gặp khó khăn khi thanh toán BHYT, do vậy khi Nghị quyết 30 cho thanh toán BHYT với các máy này, các bệnh viện yên tâm hơn để phục vụ người bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phân tích.
Một số ý kiến cũng băn khoăn khi cho rằng dù gỡ khó được yêu cầu 3 báo giá nhưng vẫn cần phải cẩn thận với tình huống liệu các doanh nghiệp có cung cấp báo giá sát với giá nhập hay không và nếu năm sau cơ sở cung cấp không trúng thầu hóa chất thì hệ thống máy cũ có được chuyển đến cơ sở khác để tái sử dụng?...
Phải có giải pháp căn cơ
Tại Vĩnh Long, để đảm bảo thuốc điều trị cho người bệnh, Sở Y tế tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Tại BVĐK Vĩnh Long, theo lãnh đạo bệnh viện, thuốc, các trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện. Các trường hợp bệnh nặng được cấp cứu điều trị kịp thời.
Theo BS.CK2 Trầm Quốc Tuấn- Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BVĐK Vĩnh Long, bệnh viện cũng chuẩn bị hoàn chỉnh dự trù thuốc, vật tư, hóa chất để không bị gián đoạn. “Có một số thuốc, hóa chất do các hãng cung cấp cũng bị giới hạn nhưng đã được khắc phục. Hiện thuốc để điều trị cho bệnh nhân được đảm bảo, chỉ có hóa chất còn vướng rất ít nhưng không thuộc thiết yếu quan trọng. Tất cả hóa chất phục vụ các xét nghiệm cũng như phẫu thuật tại bệnh viện đều được đảm bảo. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện thực hiện trên 25 ca phẫu thuật.”, BS Quốc Tuấn cho biết.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, các hướng dẫn mới đã giải quyết được khó khăn trước mắt trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, giúp các cơ sở y tế nhanh chóng mua sắm được máy móc, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế quyết tâm không để thiếu vật tư, thiết bị y tế trong công tác chăm sóc, điều trị người bệnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, “nút thắt” trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế là vấn đề khó, nhưng không phải không có giải pháp. Những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay, mà giải quyết từng bước. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của đơn vị, cơ sở y tế về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… cùng phối hợp với các bộ và báo cáo Chính phủ để giải quyết.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế về trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai giá, tính năng, cấu hình, tác dụng, tính pháp lý và tính chính xác của trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm đối với mặt hàng này.
Ngành đánh giá, trên 80% vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế được giải quyết. |
Để tránh tình trạng đấu thầu vật tư nhưng không đạt hiệu quả sử dụng như mong muốn, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, cơ sở y tế cần thành lập hội đồng khoa học để xây dựng tính năng, cấu hình, tác dụng theo yêu cầu của chuyên môn đơn vị trước khi thực hiện đấu thầu, mua sắm theo quy định. Khi quyết định lựa chọn trang thiết bị và vật tư y tế, cần bảo đảm minh bạch, công tâm, trách nhiệm để làm sao chọn được thiết bị mang tính tối ưu về hiệu quả và chi phí đầu tư.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin