Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn nên lây lan cho rất nhiều người.
Nếu được phát hiện sớm, được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì người bệnh lao có thể khỏi hoàn toàn. |
(VLO) Việt Nam hiện là nước có gánh nặng bệnh lao cao và là 1 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn nên lây lan cho rất nhiều người. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không chỉ cứu sống người bệnh mà còn giảm nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm dịch tễ bệnh lao.
Bệnh lao và gánh nặng cuộc sống
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long, bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80- 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Khi một người mắc bệnh lao phổi ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ có thể lan truyền vi khuẩn lao vào trong không khí, nơi vi khuẩn lao có thể tồn tại đến 6 giờ. Một người mắc bệnh lao phổi không được điều trị có thể lây truyền cho từ 15 người khác trong một năm.
Song, nếu được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời và đúng phương pháp thì người bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Hiện nay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao mới ở BV Lao và Bệnh phổi tỉnh đạt trên 94%.
Nếu phát hiện trễ, điều trị không đúng dễ thất bại, hoặc dẫn tới tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm cho bệnh nhân (BN) và cho cộng đồng.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền, dịch tễ lao ở Vĩnh Long vẫn còn ở mức cao, nguy cơ nhiễm bệnh của người dân còn lớn.
Để ngăn chặn tiến tới loại trừ bệnh lao, bên cạnh các biện pháp chủ động phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao của ngành y tế, người dân cần nâng cao thể trạng, khi có biểu hiện ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu), sụt cân hay sốt về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực; đôi khi khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tiến tới loại trừ bệnh lao
Để đạt mục tiêu không còn bệnh lao và tiến đến loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030, Vĩnh Long chủ động tầm soát phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh lao.
Những trường hợp có tiền sử mắc lao đã điều trị khỏi, ho kéo dài, sụt cân hay gia đình có người mắc bệnh lao ở các địa phương có dịch tễ lao cao sẽ được chương trình chống lao của tỉnh sàng lọc theo chiếc lược 2X, gồm chụp X-quang và xét nghiệm Xpert. Đây là 2 kỹ thuật phát hiện nhanh và có độ chính xác cao trong tầm soát bệnh lao.
Theo bác sĩ Lê Thành Tam- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít, việc khám chủ động để phát hiện sàng lọc BN lao; hướng dẫn các trạm y tế tầm soát tất cả BN ho khạc kéo dài đưa đến trung tâm thực hiện chiến lược 2X từ sự hỗ trợ của BV Lao và Bệnh phổi tỉnh.
Bên cạnh chủ động phát hiện bệnh lao trong cộng đồng, công tác quản lý điều trị BN lao cũng được ngành y tế tỉnh chú trọng.
Các trường hợp mắc lao được nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng thuốc và các biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng.
Chị H.T.T.P. (xã Thanh Đức- Long Hồ) có người thân mắc bệnh lao cho biết: “Gia đình động viên ảnh đi khám rồi vô điều trị ở BV lao, động viên ảnh uống thuốc để mau hồi phục lo cho gia đình. Ngoài ra, ăn uống đủ chất; vật dụng cá nhân của ảnh đều dùng riêng, để riêng để tránh lây nhiễm cho người trong nhà”.
Các kỹ thuật chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lao cũng được BV Lao và Bệnh phổi triển khai. Trong đó, nội soi phế quản ống mềm là kỹ thuật chuyên sâu của ngành hô hấp giúp chẩn đoán nhanh, chính xác các bệnh lý trong phế quản, phổi, hỗ trợ việc lấy đàm xét nghiệm hay sinh thiết.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ, nuôi cấy vi trùng lao, xét nghiệm vi trùng lao và lao kháng thuốc được BV thực hiện thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị.
Song, theo ngành y tế dịch tễ lao của Vĩnh Long vẫn còn cao, khoảng 130 người mắc lao trên 100 ngàn dân và số ca lao mới có kháng thuốc cao.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh lao, cách phòng chống lao song song với phòng chống COVID-19 cho các tầng lớp nhân dân đặc biệt là đối tượng nguy cơ cao để họ nhận thức đúng về bệnh lao và cách phòng chống từ đó xóa bỏ kỳ thị người mắc lao cũng như phân biệt đối xử với người mắc lao.
Đồng thời, duy trì và mở rộng phối hợp y tế công tư trong công tác phòng chống lao, kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp sàng lọc chủ động và sàng lọc thụ động để phát hiện nhiều bệnh lao hơn trong cộng đồng”.
Việc thăm khám đúng hẹn, uống thuốc đều và đúng theo phác đồ điều trị là hết sức quan trọng với BN có bệnh lý mãn tính nói chung, bệnh lao nói riêng.
Chỉ cần lơi lỏng, nguy cơ tái phát nặng hơn của bệnh sẽ trở lại. Như vậy, cùng với nỗ lực của các bác sĩ, cơ sở y tế, BN cũng cần nâng cao hiểu biết để cùng chung tay, không vì sợ lây nhiễm SARS-CoV-2 mà tạo cơ hội cho các bệnh lây nhiễm, trong đó có bệnh lao, lây lan, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Để phòng tránh bệnh lao, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau: đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi; rửa tay thường xuyên bằng xà bông diệt khuẩn; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng; hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện ho, hắt hơi. Nếu tiếp xúc phải đeo bảo hộ cá nhân. Trẻ em cần tiêm vắc xin phòng bệnh lao trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin