"Nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 ở Việt Nam rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và thế giới. Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch"- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh- thành phố vào ngày 16/4.
Đoàn công tác Sở Y tế giám sát trước tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. |
“Nguy cơ xảy ra dịch COVID-19 ở Việt Nam rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và thế giới. Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh- thành phố vào ngày 16/4.
Kiểm soát chặt đường biên và người nhập cảnh
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biên giới phía Tây Nam và Tây Nam Bộ là khu vực có nguy cơ rất cao bùng phát dịch COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn công tác đến các địa phương này để kiểm tra việc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam có đường biên giới dài, chỉ có cột mốc, gần như không có ranh giới, việc đi lại từ nơi này đến nơi khác rất dễ dàng. Mặc dù chúng ta tăng cường chốt gác, song đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi không thể đảm bảo giữ chặt biên giới an toàn 100%. Campuchia đến nay ghi nhận 4.341 ca nhiễm, trong đó tăng đột biến trong 5 ngày vừa qua với gần 2.000 ca. Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát.
Giới chức y tế cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao nếu không kiểm soát chặt đường biên giới. Trong khi đó, Thái Lan đang ở đợt bùng phát dịch thứ 3, liên quan đến các quán rượu tại thủ đô Bangkok và lây lan ra 70 tỉnh của nước này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng “giữ thật chặt” khu vực biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo cách ly. Đây là những chìa khóa quan trọng trong kiểm soát dịch giai đoạn tới. Các địa phương khi phát hiện người nhập cảnh cần thông báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay. BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.
"Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng, thì việc kiểm soát dịch trong thời gian tới sẽ rất khó khăn. Bài học bùng phát dịch COVID-19 từ Campuchia, Thái Lan cho thấy họ phát hiện ca bệnh trong cộng đồng từ khu vực đông người như quán bar, karaoke. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát vấn đề này. Phát hiện ca nhiễm càng sớm bao nhiêu, dập dịch càng nhanh bấy nhiêu"- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Tại cuộc họp trực tuyến, đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có 56km biên giới trên bộ, 62.000km2 biên giới biển. Mỗi ngày có hàng ngàn tàu cá, tàu dầu, tàu mua bán hải sản... của Việt Nam và các nước hoạt động chung trên vùng biển này. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 trở nên khó khăn.
Hiện nay, Kiên Giang đang phải đối mặt với một số lượng lớn người về từ Campuchia và tỉnh này đang ghi nhận 37 trường hợp nhiễm COVID-19. Có ngày 10 người về từ Campuchia thì cả 10 đều dương tính với COVID-19. Chính vì vậy, Kiên Giang đề nghị Bộ Y tế cho phép thành lập một bệnh viện dã chiến tại TP Hà Tiên.
Bộ Y tế khuyến cáo Việt Nam tiếp tục các biện pháp chống dịch trong cộng đồng, như người dân vận động người thân tuân thủ quy định nhập cảnh- cách ly khi về nước. 5 nguyên tắc phòng chống dịch (5K- Khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế), sử dụng phương châm 4 tại chỗ gồm “phát hiện, chẩn đoán, cách ly và theo dõi”. |
Vắc xin COVID-19- “tiêm đến đâu an toàn đến đó”
Bộ Y tế khẳng định, Việt Nam tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng kế hoạch. Sau hơn 1 tháng, Việt Nam thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Trong đó, 33% có phản ứng thông thường, tại chỗ như đau, rát ngứa, đau nóng đỏ, có trường hợp sốt nhẹ. Tất cả đều được ổn định sức khỏe sau 1-2 ngày. Tỷ lệ phản ứng này thấp hơn một số nước khác. "Chúng tôi khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào gặp tình trạng đông máu sau tiêm vắc xin"- Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đảm bảo điều kiện cách ly an toàn cho công dân sau khi nhập cảnh. |
Theo Bộ Y tế, tuy nâng cao an toàn tiêm chủng hơn một mức so với bình diện chung của Tổ chức Y tế Thế giới nhưng không vì lý do đó mà triển khai tiêm chủng chậm do thời hạn sử dụng vắc xin COVID-19 của COVAX chỉ đến 31/5. Ngày 1/4 vừa qua, Việt Nam có thêm 811.000 liều vắc xin của COVAX và đã phân bổ cho các địa phương. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần triển khai tiêm nhanh, theo chỉ đạo của Chính phủ trước ngày 15/5.
“Không được để bất cứ liều vắc xin nào phải hủy do hết hạn sử dụng mà địa phương không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không hoàn thành tiêm thì chúng tôi thu hồi vắc xin. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ ngày hôm qua”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tại hội nghị, đại diện WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vắc xin là một trong những biện pháp phòng, chống CPVID-19. Song, vắc xin không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã thành lập BCĐ an toàn tiêm chủng. BCĐ này bao gồm các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên cả nước trong tất cả lĩnh vực, thường trực hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn nặng sau tiêm, kể cả trường hợp huyết khối có thể xảy ra. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin