Can thiệp ECMO cứu bệnh nhi viêm cơ tim, sốc tim nguy kịch

Cập nhật, 12:01, Thứ Ba, 13/04/2021 (GMT+7)

 

Bé gái 9 tuổi được can thiệp ECMO và nhiều phương tiện hiện đại. Ảnh do  cung cấp.
Bé gái 9 tuổi được can thiệp ECMO và nhiều phương tiện hiện đại. Ảnh do cung cấp.

Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi 9 tuổi, ở Tiền Giang trong tình trạng nguy kịch.

Theo thông tin từ BV, trước nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện ói, sốt nhẹ khiến em vật vã, nghỉ học và đi khám tại phòng mạch tư nhưng vẫn không đỡ, nôn ói liên tục rồi đột ngột trợn mắt ngất lịm.

Bệnh nhi được đưa vào viện đã bị trụy mạch, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu ngừng tim, ngừng thở, ổn định huyết áp bằng nhiều loại thuốc vận mạch liều cao, siêu âm... kết quả xét nghiệm cho thấy men tim rất cao.

Sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhi tỉnh dần, cải thiện mọi thông số máy móc và chức năng cơ quan tim - thận - gan - phổi... từng bước vượt qua mọi thử thách trong quá trình vận hành ECMO: rối loạn nhịp, ứ máu buồng tim, phẫu thuật xé vách buồng tim cấp cứu tại giường, truyền máu và chế phẩm máu...Bệnh nhi được cai máy ECMO ổn định, tiếp tục được theo dõi điều trị tại BV.

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ- Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng thành phố, viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, hàng đầu là enterovirus, kế đến là echovirus, adenovirus, herpes simplex, quai bị, sởi, rubella... Khi vào cơ thể, siêu vi làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích. Trong 3 năm, BV triển khai kỹ thuật ECMO trên 24 bệnh nhi nguy kịch, cứu sống ngoạn mục 17 bé.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ 2-10 tuổi. Bệnh khó phát hiện khi các triệu chứng khởi đầu rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như cảm sốt. Một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ sẽ tự khỏi. Vài bé không có triệu chứng trước đó nhưng bệnh lại diễn tiến rất nhanh, nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu sống thì về sau dễ bị suy tim hoặc rối loạn nhịp.

Trẻ lớn thường có triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như ói, tiêu chảy... Trẻ nhỏ có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém, ngủ li bì khó đánh thức, hay rên rỉ, quấy khóc... Đặc biệt nếu thấy trẻ có các biểu hiện như tím môi, da tái, tay chân lạnh, thở mệt, mạch nhẹ hoặc không bắt được phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đã mắc những bệnh liên quan đến các siêu vi. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ, chủng ngừa các bệnh bạch hầu, cúm, rubella, quai bị... Trẻ ở tuổi đi học, tập thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

THÚY QUYÊN