"Thần y" Youtube, từ "Nhà tôi 3 đời chữa xương khớp. Bà con ai đang gặp các vấn đề về xương khớp gọi cho tôi. Tôi cam kết chữa khỏi 100% lại đến "chữa sỏi mật, sỏi thận", rồi "chữa khỏi bệnh tiểu đường", "chữa ung thư" với những lời tuyên bố chắc nịch: "Bản thân cô đã chữa hơn 40 năm, chưa có bệnh nhân nào bảo là không khỏi, từ Nam ra Bắc. Chỉ sợ những người không uống thuốc của nhà cô thôi. Uống là khỏi 100%"
“Thần y” Youtube, từ "Nhà tôi 3 đời chữa xương khớp. Bà con ai đang gặp các vấn đề về xương khớp gọi cho tôi. Tôi cam kết chữa khỏi 100% lại đến "chữa sỏi mật, sỏi thận", rồi “chữa khỏi bệnh tiểu đường”, “chữa ung thư” với những lời tuyên bố chắc nịch: "Bản thân cô đã chữa hơn 40 năm, chưa có bệnh nhân nào bảo là không khỏi, từ Nam ra Bắc. Chỉ sợ những người không uống thuốc của nhà cô thôi. Uống là khỏi 100%"… đang rầm rộ trên Youtube khiến nhiều người nghe ám ảnh.
Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp cả tin, tin vào những nội dung quảng cáo xấu độc này dẫn đến những sự việc đáng tiếc.
Tràn lan các mẩu quảng cáo đang rầm rộ trên Youtube khiến nhiều người nghe ám ảnh. |
Suy gan, thận vì mua thuốc không rõ nguồn gốc
Theo Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình một tháng, BV tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân (BN) nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Đa số BN cho biết họ nghe theo quảng cáo trên Youtube bán thuốc gia truyền "3 đời" của người bán thuốc chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hoá khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai... nên đã không ngần ngại mua về uống, chẳng ngờ lại gặp tai hoạ.
Nhiều BN đến khám ngay lập tức phải nhập viện điều trị vì men gan tăng, vàng da, vàng mắt và đặc biệt có BN suýt ngừng tim; trường hợp nặng thì phải lọc máu cấp cứu...
Mới đây, các bác sĩ BV vừa tiếp nhận cụ bà, 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng. BN đã sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Theo lời kể của người nhà BN, bà bị viêm khớp đã lâu, điều trị thuốc nam kèm corticoid kéo dài. BN được phát hiện suy tuyến thượng thận cách đây 2 tháng, bị viêm gan B không điều trị trong nhiều năm. Điều đặc biệt, BN mua thuốc nam theo nguồn truyền miệng, không rõ nguồn gốc...
BN vào viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng. Ngay sau khi tiếp nhận, BN được xử trí thở oxy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận.
Mong có con trai, cô gái trẻ (Hà Nội) mua thuốc nam không rõ nguồn gốc về uống khiến men gan cao gấp... 20 lần phải điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Theo các bác sĩ, men gan của BN tăng cao bất thường khả năng cao do thuốc nam. Men gan cao cũng cho thấy gan đã nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới vàng da, vàng mắt, suy gan. May mắn, BN được phát hiện bệnh sớm, gan chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt.
BN được yêu cầu dừng uống thuốc nam để không làm xấu tình trạng men gan, sau đó uống thuốc giải độc, bổ gan để giúp gan hồi phục.
Ám ảnh “nhà tôi 3 đời”… trên Youtube
Trong những tháng gần đây, những video quảng cáo kiểu này đã bắt đầu xuất hiện nhan nhản trên Youtube, được đan cài vào hầu hết các video, với tần suất xuất hiện dày đặc, khiến nhiều người xem Youtube không khỏi ngán ngẩm.
Thường sử dụng Youtube mỗi ngày, anh Lê Tuấn Anh (TP. Vĩnh Long) cho biết ngày càng thấy khó chịu và ức chế khi vào mạng xã hội. “Mở một clip nghe nhạc 5 phút thư giãn cũng bị 2 - 3 clip quảng cáo làm phiền. Chặn cũng không hết nổi.
Cho con bé 2 tuổi xem hoạt hình, vài phút tới quảng cáo bé chạy đưa điều khiển để bấm bỏ qua. Chưa kể, trên mấy kênh cho con nít coi mà quảng cáo yếu sinh lý nữa mới khổ”, anh bực bội nói.
Nếu không quan tâm, người xem sẽ nhanh chóng ấn nút bỏ qua, nhưng với những ai có nhu cầu mua để dùng hoặc chữa bệnh thì cần hết sức cẩn trọng bởi thực hư về công dụng của các loại thuốc, thực phẩm chức năng trong các quảng cáo này thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Chị Nguyễn Thị Quế Chi (thị trấn Vũng Liêm) thở dài: “Có bà bác gần nhà em bị vẹo cột sống, tin lời quảng cáo trên mạng, điện thoại cho họ. Họ bắt mạch qua điện thoại xong bán thuốc, ship bưu điện về uống rồi nhập viện luôn. Còn có người uống bị phù cũng phải đi viện điều trị”.
Trước tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm của Bộ y tế liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng hiện nay.
Đồng thời, khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời rao bán thuốc và thực phẩm chức năng để tránh tiền mất, tật mang. Quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội là xu thế hiện nay khi bất kì ai cũng có thể tham gia, tiếp cận thông tin, các sản phẩm giải trí mà không phải trả phí.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thôi cũng chưa đủ, người tiêu dùng cần phải có sự cảnh giác, cẩn trọng và tỉnh táo trước ma trận quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều thì tình trạng này mới “hết đất sống”.
Ðể tránh tình trạng tiền mất tật mang, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và người nhà người bệnh cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Người bệnh cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh bị lừa tiền mất, tật mang. Bởi mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin