Báo động trẻ em tự tử

Cập nhật, 18:21, Thứ Tư, 31/03/2021 (GMT+7)

Gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tự tử tuổi mới lớn vì tình, vì áp lực cuộc sống, công việc, học hành, bạo hành thể xác lẫn tinh thần, mâu thuẫn gia đình…Nhiều trẻ độ tuổi mới lớn chọn uống thuốc ngủ liều cao hay uống thuốc diệt cỏ; nhảy lầu,… tìm đến cái chết để từ bỏ cuộc sống.

Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe N. đã cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo.
Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe N. đã cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo.

Báo động trẻ em tự tử

Tối 30/3/2021, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Hồ Chí Minh thông tin đang điều trị cho bệnh nhi N.T.N. (13 tuổi, ngụ tỉnh Long An) uống thuốc trừ sâu để tự tử.

Theo chia sẻ của gia đình, N. đang học lớp 7, sống với cha và bà nội. Chỉ vì áp lực học đường, bị bạn bè tẩy chay, cô lập trên mạng xã hội…nên nghĩ quẫn, em đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Sau khi uống, em ói liên tục nhiều đàm nhớt, khó thở, rung giật tay, lơ mơ dần.

Trong lúc nguy kịch, N. lại sợ chết nên đã gọi bà nội. Người nhà đưa vào một bệnh viện địa phương sơ cứu, rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch, đặt ống thở giúp thở hỗ trợ rồi chuyển đến BV.

Tại đây, các bác sĩ cấp cứu xác định N. bị ngộ độc thuốc trừ sâu và nhanh chóng cho bé thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất. Điều trị bằng thuốc giải độc tiêm tĩnh mạch, N. đáp ứng với điều trị.

Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe N. cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan cải thiện, hồi phục khả quan.

Cha em mừng rỡ, nhưng vẫn còn bần thần lo lắng về khả năng hồi phục tâm lý của em, anh cho biết đã làm việc cùng giáo viên, đồng thời ban giám hiệu nhà trường cũng đã tìm đến động viên tìm hướng giải quyết, nhưng có thể cân nhắc sẽ chuyển trường cho T.N,  nếu cần.

Cuối tháng 9/2020, BV này cũng cứu sống 1 bệnh nhi Q. (11 tuổi) quê ở Tiền Giang vì nghĩ ba mẹ thương em hơn mình. Bé Q. lấy tiền để dành đến tiệm thuốc tây năn nỉ mua lọ thuốc giá 70.000 đồng để về uống tự tử.

Bé Q. được đưa đi cấp cứu tại BV khi chức năng gan và thận đã bắt đầu bị ảnh hưởng. Sau gần một tuần trị liệu, em đã tỉnh lại, cởi mở với mọi người, trân quý sinh mạng từng phút giây sau khi trút hết bầu tâm sự với các bác sĩ.

Bé nhận ra ba mẹ cũng thương yêu bé như em gái, chỉ là em gái út còn quá nhỏ nên ba mẹ phải quan tâm nhiều hơn. Q. cũng vui cười nhiều hơn, cởi mở hơn với mọi người.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức- chống độc, nhận định khi người bệnh uống các loại thuốc chứa hoạt chất ức chế thần kinh quá liều, cơ thể rơi vào biến chứng của trạng thái ngủ như ức chế tim, thần kinh trung ương, xoắn đỉnh. Biến chứng này thường xảy ra khoảng 30 phút, bệnh nhân sau đó sẽ đi vào giấc ngủ.

Nếu phát hiện muộn, những trường hợp tự tử dù được cứu sống, các cơ quan như tim, gan, thận... vẫn bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân còn bị chấn thương tâm lý. Sự quan tâm của gia đình, người thân, bạn bè chính là cách tốt nhất giúp các bệnh nhi vượt qua điều này.

Ngăn trẻ tự tử

Theo bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (khoa hồi sức tích cực), để giải quyết nỗi buồn, áp lực trong cuộc sống, các bạn trẻ dường như đang có xu hướng tìm đến cái chết.

"Chúng tôi rất mong rằng mỗi người trẻ hãy trân quý bản thân mình, trân quý sự sống của mình. Không có một lý do nào trên đời đáng để ta tự hủy hoại chính mình. Hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày, khi đó sẽ thấy mọi áp lực bên ngoài chỉ là thử thách.

 “Nếu bạn nghĩ người thân hay bạn bè của mình đang có ý định tự vẫn, có thể bạn sẽ ngại không muốn nhắc đến chuyện đó. Nhưng việc nói chuyện một cách thẳng thắn về những cảm xúc và ý muốn tự sát có thể cứu được người. Và bố mẹ ơi, chính bố mẹ là những người bạn thân nhất, gợi mở tốt nhất cho tâm hồn đang bị trói buộc và những câu chuyện thầm kín nhất của con trẻ đấy. Hãy trò chuyện cùng con hằng ngày nhé!”, bác sĩ Phương Vũ chia sẻ.

Khi cảm thấy bế tắc, có 2 cách để giúp mình vượt qua là quay về với bên trong của mình để tìm ra sức mạnh của bản thân và thứ hai là tìm đến người xung quanh giúp đỡ. " - bác sĩ Phương Vũ nhắn nhủ.

Theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi (đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng thành phố), những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi vi rút “tự tử”.

Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: “Mình không đơn độc” “Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh”…

Bên cạnh đó, việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp với nhà trường, bạn bè góp phần củng cố nguồn lực bên ngoài và sự tự tin bên trong của trẻ.

Ngoài ra, ba mẹ và thầy cô có thể hỗ trợ trẻ trong việc giáo dục các kĩ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đưa ra quyết định và thích ứng với môi trường nhằm phòng ngừa và ứng phó với những tình huống khó khăn. Một chế độ sinh hoạt hợp lý, sự cân bằng giữa thể chất và tinh thần có thể giúp trẻ có những trải nghiệm sống lành mạnh và cái nhìn tích cực với bản thân cũng như những người xung quanh.

Theo chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, phần lớn phụ huynh đều cho rằng con em mình chưa đạt đến mức phát triển khái niệm tự tử. Song, theo nghiên cứu cho thấy, trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu có ý thức về cái chết, trẻ 8 - 9 tuổi đã có những hiểu biết về cái chết, về tự tử.

Nhiều trẻ còn có khả năng lên kế hoạch, tìm cách làm điều này, đặc biệt đối với độ tuổi vị thành niên, nguy cơ xảy ra lần hai cao gấp 6 lần.Thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 12.000 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi được đưa vào các đơn vị bệnh viện tâm thần vì hành vi tự tử.

SÔNG TRĂNG