Nhiều người đi lại được nhờ phẫu thuật thay khớp háng

Cập nhật, 14:25, Thứ Sáu, 29/01/2021 (GMT+7)

(VLO) Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo sẽ giúp cho người bệnh sớm vận động sau mổ, hạn chế được biến chứng nằm lâu và hoàn toàn có thể đi lại được nếu được chăm sóc và tập luyện tích cực.

Sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được 5 ngày, cô Nguyễn Thị Tín (thị trấn Long Hồ) dần phục hồi và tập đi trên khung theo hướng dẫn của bác sĩ.
Sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được 5 ngày, cô Nguyễn Thị Tín (thị trấn Long Hồ) dần phục hồi và tập đi trên khung theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trượt chân té ngã… phải thay khớp háng

Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, BVĐK tư nhân Triều An- Loan Trâm, BVĐK Xuyên Á thực hiện phẫu thuật thành công thay khớp háng nhân tạo giúp nhiều bệnh nhân (BN) được đi lại dễ dàng hơn.

Bà L.T.T. (86 tuổi, xã An Bình- Long Hồ) bất cẩn té ngã dẫn đến đau khớp háng (P), đi lại khó khăn nên được người nhà đưa đến BVĐK tư nhân Triều An- Loan Trâm điều trị.

Bà có tiền sử mắc nhiều bệnh lý nặng như: cao huyết áp, lão suy/ suy tim nặng, rối loạn mỡ máu, rối loạn điện giải, viêm phế quản, đái tháo đường type II… Kết quả X-quang khung chậu thẳng cho thấy BN bị gãy liên mấu chuyển xương đùi (P).

Sau khi hội chẩn đánh giá kỹ càng về thể trạng của BN cũng như tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật thay khớp háng bán phần cho BN để phục hồi chức năng vận động, tránh những di chứng, biến chứng nghiêm trọng về sau do phải nằm lâu bất động. Ca mổ thành công tốt đẹp.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sơn- Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Ngoại BVĐK Triều An- Loan Trâm: Đây không phải là ca phẫu thuật thay khớp háng cho BN cao tuổi kèm nhiều bệnh lý nội khoa đầu tiên ở bệnh viện. Song, gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người cao tuổi thường khó lành và là trường hợp gãy xương nghiêm trọng.

Nếu không được thực hiện phẫu thuật thay khớp háng thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, di chứng nặng nề gây đau đớn cho người bệnh, tiêu tốn rất nhiều chi phí cho quá trình chăm sóc và điều trị.

Nếu được đánh giá kỹ càng cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa nội khoa, ngoại khoa thì việc phẫu thuật thay khớp cho BN cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nội khoa sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trầm Quốc Tuấn- Trưởng Khoa Ngoại chấn thương (BVĐK tỉnh) từ tháng 8/2020 đến nay, trung bình mỗi tuần bệnh viện thực hiện từ 2- 3 ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho BN, chủ yếu là người cao tuổi bị chấn thương do tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông.

Đồng thời, không ít người có bệnh lý khớp háng đã lấy lại được chức năng vận động của khớp sau mổ, mang đến sự hồi phục chức năng đi lại và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Tín (64 tuổi, thị trấn Long Hồ) tập bước với trợ giúp của khung tập đi và hướng dẫn của bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo được 5 ngày. Cô Tín cho biết: “Cô bị té xe đạp. Chắc có tuổi nên xương giòn dễ gãy.

Vô bệnh viện, bác sĩ nói phải mổ thay khớp háng, cô và người nhà lo lắm nhưng được tư vấn, mổ sẽ hồi phục nhanh, đi lại được. Bằng chứng là cô mổ có mấy bữa mà đã đi từng bước được rồi. Bác sĩ nói cỡ 4 tuần là cô có thể đi đứng bình thường”.

Ngăn ngừa té ngã ở người cao tuổi

Thay khớp háng nhân tạo là phương pháp phẫu thuật để điều trị các bệnh lý của khớp háng sau khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.

Thông thường, thay khớp háng sẽ làm cho người bệnh giảm đau, vận động khớp háng sẽ được cải thiện giúp người bệnh trở lại với sinh hoạt hàng ngày.

Đây là kết quả của chương trình chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện vệ tinh (các bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh thực hiện).

Các y- bác sĩ BVĐK tỉnh Vĩnh Long được đào tạo kỹ thuật, nâng cao tay nghề, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ tiên tiến và đã có thể tự thực hiện các ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trầm Quốc Tuấn, té ngã rất thường xảy ra ở người lớn tuổi và thường gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như gãy xương (trong đó gãy cổ xương đùi là rất nặng nề), do người cao tuổi có tỷ lệ khá cao mắc bệnh loãng xương.

Gãy xương gây ra nhiều biến chứng và di chứng, tiêu tốn rất nhiều tiền của cho quá trình chăm sóc và điều trị. Việc điều trị phẫu thuật sớm cho BN là rất quan trọng. Chỉ định phẫu thuật trước hết không đặt vấn đề để người bệnh đi lại được, mà có thể giảm đau và dựng người bệnh dậy được.

Nếu không thì việc chăm sóc sẽ rất khó khăn, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm đường tiết niệu, loét điểm tỳ như mông, lưng, mắt cá chân, ứ trệ đờm dãi dẫn đến viêm phổi và thậm chí là tử vong.

Để ngăn ngừa té ngã ở người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo: cần tập thể dục đều đặn nhằm làm tăng sức cơ, giữ cho khớp dẻo dai và kích hoạt các hệ thống kiểm soát cân bằng và vận động trong cơ thể.

Ngoài ra, chế độ ăn uống là rất quan trọng để ngăn ngừa việc thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin D), sắt, các loại thực phẩm giàu tinh bột và protein. Đảm bảo lượng nước uống hàng ngày để tránh mất nước…

Kiểm tra mắt thường xuyên: Khám mắt mỗi 2 năm hoặc theo lời dặn của bác sĩ nhãn khoa.

Tránh lót nền gạch láng: Để tránh trơn trợt dễ té ngã.

Đo kiểm tra mật độ xương và điều trị sớm khi có dấu hiệu loãng xương- đặc biệt ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh.


Bài, ảnh: THÚY QUYÊN