Trẻ ho cần tìm đúng bệnh

Cập nhật, 14:25, Thứ Sáu, 29/01/2021 (GMT+7)

(VLO) Bé nhà tôi ho nhiều ngày, đã mua thuốc uống nhưng không giảm và càng ho nhiều hơn. Xin bác sĩ cho biết, tôi phải làm gì để bé không bị ho?

Nguyễn Lan Thảo (Trung Hiệp- Vũng Liêm)

Trả lời: Bạn không nên xem ho là bệnh dễ chữa và tự làm bác sĩ cho con. Khi trẻ ho, điều quan trọng là phải tìm đúng bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. 

Thông thường, trẻ hay gặp ho đờm và ho khan. Ho đờm có tính chất bảo vệ nhằm làm sạch đường hô hấp. Phản xạ ho trong trường hợp này giúp tống xuất đờm, dịch tiết hoặc dị vật ra khỏi cổ họng. Trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi cổ thông thoáng sau cơn ho.

Thuốc trị ho thường ngăn cản quá trình trên của trẻ nên không cần dùng thuốc trong trường hợp này. Khi trẻ ho khan, ho liên tục, có thể do tiếp xúc với khói thuốc, phấn hoa, sưng viêm đường hô hấp. Ho khan sẽ làm cho trẻ khó chịu, khó ngủ, mệt, quấy khóc và cần điều trị bằng thuốc ho hay thuốc làm dịu cơn ho.

Cảm lạnh vào mùa mưa cũng dễ khiến trẻ bị ho, bạn nên giúp trẻ giữ ấm, ăn đủ chất, uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam hoặc nước chanh để tăng sức đề kháng. Làm đúng các điều trên, trẻ có thể tự khỏi sau 1-2 tuần mà không cần dùng thuốc.

Thuốc trị ho cho trẻ thường là thuốc dạng si rô chứa chất kháng histamine. Đây vốn là thuốc có tác dụng chống dị ứng nhưng đồng thời giúp giảm và làm dịu triệu chứng ho.

Không nên dùng khi trẻ ho có đờm kèm suyễn, viêm nhiễm đường hô hấp dưới vì thuốc làm đờm khô quánh, giảm ho nên khó tống đờm ra ngoài, dễ làm trẻ khó thở.

Thuốc long đờm giúp giảm độ nhầy của đờm, trẻ sẽ dễ tống đờm ra nhưng không nên dùng thuốc này cho trẻ dưới 6 tuổi. Thuốc làm dịu cơn ho sẽ tạm thời làm giảm ho khan, ho do kích thích.

Nếu bạn đã cho bé uống thuốc nhiều ngày không giảm thì nên đưa đến khoa nhi trung tâm y tế huyện hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị cho thích hợp.

BS PHAN GIA HOÀNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)