Trẻ bị ọc sữa- ba mẹ chớ chủ quan

01:07, 29/07/2016

Không chỉ có trẻ bú sữa bột mới bị ọc sữa (trớ sữa), trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn có thể bị trớ sữa thường xuyên và trào ngược nặng. Đây là biểu hiện không tốt và cần được cho ăn, chăm sóc và điều trị đúng cách từ khi có những biểu hiện sớm.

Không chỉ có trẻ bú sữa bột mới bị ọc sữa (trớ sữa), trẻ bú mẹ hoàn toàn vẫn có thể bị trớ sữa thường xuyên và trào ngược nặng. Đây là biểu hiện không tốt và cần được cho ăn, chăm sóc và điều trị đúng cách từ khi có những biểu hiện sớm.
Để hạn chế trẻ bị ọc sữa, cho trẻ nằm trên gối chống trào ngược.
Để hạn chế trẻ bị ọc sữa, cho trẻ nằm trên gối chống trào ngược.

Đừng chủ quan khi trẻ  bị ọc sữa

Ọc sữa xảy ra khi sữa đã được nuốt xuống dạ dày nhưng chảy ngược lên thực quản và trào lên họng của bé. Bé bú mẹ vẫn có thể bị trào ngược sinh lý hay bệnh lý.

Ví dụ như khớp ngậm sai khiến bé nuốt không khí vào bụng cùng với sữa mà không được ợ hơi, hoặc bú cữ quá no, hoặc vận động đùa giỡn nhiều ngay sau khi ăn, hoặc sữa mẹ có thành phần chất lạ và không phù hợp gây dị ứng,…

Ngoài nguyên nhân về dạ dày, còn có các nguyên nhân khác: mặc tã quá chật, bú sữa bình đục lỗ to nên bú quá nhanh, bé ngậm không hết núm vú,…

Trẻ sơ sinh có thể thỉnh thoảng bị ọc một ít sữa sau khi bú, có thể bị nấc cục, ho nhẹ. Hiện tượng này là bình thường, 50% trẻ có hiện tượng này vài lần trong một ngày ở 3 tháng đầu và 5% bị đến 12 tháng tuổi. Nếu bé phát triển mạnh khỏe bình thường thì không có gì phải lo lắng.

Chị Phạm Mai Anh (Phường 2- TP Vĩnh Long) kể, bé An Nhiên khi được nửa tháng tuổi thì bị ọc sữa rất nhiều, có cữ bé ọc ra như vòi nước.

Vì bé ọc sữa hầu như mỗi cữ nên sữa mẹ không đủ cho bé bú, chị phải cho bé bú thêm sữa công thức. Chị rất lo lắng, nhưng có người trấn an chị đừng quá lo lắng bởi trẻ sơ sinh ọc sữa ào ào, ngay cả phun thành vòi, hay trào ra mũi là bình thường.

Chị kể: “Mỗi lần cho con bú là chị muốn nín thở, đầu căng thẳng và rất hồi hộp. Có khi bé chưa bú xong đã ọc. Có lúc bú xong, bé ợ cái là ọc sữa ra luôn. Có cữ bé ọc thành vòi, trào ra cả mũi, chị hoảng hốt vừa vệ sinh mũi cho con vừa khóc quá trời.

Sợ quá, vợ chồng chị ẵm bé đi khám chuyên khoa tiêu hóa thì được chẩn đoán là bị trào ngược dạ dày thực quản và được kê toa thuốc để giảm ọc sữa”.

Chị Nguyễn Thùy Linh cho biết, bé Misa được hơn 2 tháng, bé bị ọc sữa hơn 1 tháng nay. Lúc đầu bé ọc ngày 1 lần, giờ thì có ngày bé ọc 3- 4 lần, và chị thường nghe bé thở khò khè như có đờm trong mũi vậy. Vì ọc sữa nhiều nên bé lên cân hơi chậm.

Đi khám cũng được bác sĩ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ nói bệnh này khi bé lớn hơn sẽ tự khỏi.

Các bậc cha mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược sinh lý chỉ là nhất thời trong giai đoạn đầu đời của trẻ, sẽ tự khỏi. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé, đồng thời cũng làm cho cha mẹ yên lòng.

Chăm sóc đúng cách trẻ bị trào ngược

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Hoài Danh (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long), trẻ sơ sinh dạ dày nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù nên trẻ rất dễ bị trào ngược.

Ngoài ra, nếu trong quá trình bú, trẻ có nuốt hơi và sau đó được đặt nằm ngang (đầu bằng) hoặc nghiêng bên phải, trẻ cũng dễ bị ọc sữa.

Trẻ bị nôn ói nhiều phun thành vòi sau khi bú, nôn thường xuyên, kèm theo biểu hiện bé cáu gắt, khóc nhiều, khó ngủ, bỏ bú,… thì cần được đi khám bác sĩ, uống thuốc theo toa của bác sĩ và cần được chăm sóc nhẹ nhàng, chu đáo hơn.

Hiện tượng phun sữa ngược ra thành vòi thường xuyên khiến bé bị mất nước (tương tự như tiêu chảy), mất dịch dạ dày và các loại men tiêu hóa… Dịch trào ngược như thế có thể bị tràn vào phế quản, phổi, các khoang tai mũi họng và gây viêm nhiễm ở các bộ phận này.

Bác sĩ Phạm Hoài Danh cảnh báo, nhiều trường hợp sau khi bú, bé bị ọc sữa, cha mẹ luống cuống, thổi hay hút không đúng cách, càng khiến sữa đi vào phổi em bé nhiều hơn. Vì thế, khi cho bé bú hoặc uống sữa, không nên để bé quấy khóc vì như vậy bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.

Trẻ bú xong, hãy bồng bé nằm ở tư thế đầu để cao trong 15- 20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Tránh đặt trẻ nằm ngay khi vừa bú no. Khi trẻ bị ọc sữa, điều đầu tiên cần làm là để trẻ nằm nghiêng.

Không ép trẻ ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần bú là 2 giờ, tối đa là 4- 5 giờ.

Dùng thuốc: Biện pháp này chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả. Việc sử dụng thuốc gì và dùng như thế nào cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Phạm Hoài Danh, trẻ bị ọc sữa ra mũi, để lấy gỉ, nước mũi cho bé an toàn và hiệu quả có thể dùng bấc sâu kèn, thực hiện theo các bước sau:

- Dùng khăn giấy sạch dai và mềm (có thể thay thế bằng vải xô) xếp dạng bấc sâu kèn.

- Một tay giữ trán, tay còn lại đưa bấc sâu kèn vào một bên mũi bé giữ cho đến khi thấm ướt giấy, thay bấc sâu kèn khác.

Trường hợp mũi khô, cần nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0.9%), thực hiện các bước như trên sau khi nhỏ nước muối sinh lý.

Lưu ý: Trước khi làm sạch mũi cho bé, ba mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng cho bé.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh