"Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê", là lời dạy ý nghĩa về cách cư xử đúng mực, khôn khéo, về nghệ thuật làm vợ, nhắc nhở chúng ta bài học về chữ "nhẫn" để gìn giữ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.
Sự cảm thông, khéo léo của người vợ sẽ gìn giữ hạnh phúc gia đình. Ảnh minh họa |
(VLO) “Chồng giận thì vợ bớt lời - Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”, là lời dạy ý nghĩa về cách cư xử đúng mực, khôn khéo, về nghệ thuật làm vợ, nhắc nhở chúng ta bài học về chữ “nhẫn” để gìn giữ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.
Chị M.T. có bản tính khá hiền lành, nhưng lại lấy phải anh chồng tánh nóng như Trương Phi. Anh chồng vì phải chịu áp lực gánh vác cả gia đình và các mối quan hệ ngoài xã hội nên anh cũng hay mệt mỏi sinh ra cáu gắt.
Chị M.T. vì hiểu và thông cảm cho chồng nên chị thường hay nhẫn nhịn, mỗi khi anh bực tức nói lớn tiếng là chị lập tức im lặng và xoa dịu anh. Hàng ngày họ trao đổi với nhau không quá chục câu, những vấn đề trong gia đình anh cũng tự mình giải quyết mà không cần bàn bạc với vợ.
Dần dần chị trở nên nhu nhược, là người phụ nữ quanh quẩn bên góc bếp, chỉ tập trung chăm sóc chồng con.
Chị X.H. thì khéo léo hơn, chị là người phụ nữ có kiến thức, có công việc ổn định. Chồng chị là người có địa vị xã hội, yêu vợ thương con nhưng mỗi tội có tánh nóng nảy, khó trao đổi góp ý với anh về vấn đề gì. Hiểu tánh chồng, mỗi khi 2 người có mâu thuẫn, chị yêu cầu cả 2 bên bình tĩnh, ngừng ngay câu chuyện.
Nhưng sau đó, khi anh đã bình tâm và sẵn sàng lắng nghe thì chị bắt đầu trao đổi và đưa ra chính kiến, mong muốn của mình. Với những lý lẽ thuyết phục, dần dần chị X. H cũng “khống chế” thành công anh chồng nóng tánh của mình.
Là con người ai cũng có lúc tức giận, đặc biệt là đàn ông. Với bản tính mạnh mẽ, cái tôi cá nhân cao, sự nóng giận của họ rất đáng sợ, có thể gây ra bạo lực gia đình. Áp lực trong công việc và gia đình khiến họ cảm thấy mệt mỏi, tính tình cũng đổi thay, khó kiểm soát hơn trong hành động và lời nói.
Đa số các đức lang quân hiện đại đều có ý nghĩ phải kiếm nhiều tiền để bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho vợ con, và chính những suy nghĩ đó đã đẩy họ đến một trạng thái luôn căng thẳng, lo lắng. Nếu người vợ không thích ứng được với những thay đổi đó bằng những cư xử tế nhị, thì nguy cơ tan vỡ gia đình là
rất cao.
Một người vợ lý tưởng khi là hậu phương vững chắc cho chồng, hiểu được tính cách và công việc của chồng. Do đó, tùy từng trường hợp xảy ra mà người vợ có cách ứng phó cho phù hợp và êm thấm. Nghệ thuật giữ lửa hôn nhân phải tuyệt đối ghi nhớ lời dạy của cha ông “chồng giận thì vợ bớt lời”.
Thay vì “đá thúng đụng nia” các bà vợ nên giữ sự bình tĩnh. Khi chồng đã nóng thì vợ phải kiềm chế, phải tìm cách giảm sự bực tức nơi người chồng, dù có đang mệt mỏi.
Đó mới là cách xử lý thông minh và khôn ngoan. Tất cả những sự cố gắng này của người vợ sẽ tạo nên một bầu không khí dễ chịu, thoải mái hơn trong gia đình và phần nào giảm bớt sự ngột ngạt cũng như những căng thẳng đáng tiếc có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đôi lúc, im lặng lại không phải là giải pháp tốt nhất khi chồng đang nóng giận. Một vài lời nói động viên, vài lời khuyên hữu ích, sự phân tích nhẹ nhàng hợp lý, thậm chí chỉ là một cái ôm đầy xúc cảm cũng được coi là phương thức hữu hiệu giảm bớt sự giận dữ của chồng.
Ngay khi nhận thấy chồng có vẻ khó chịu, nổi nóng, hãy lựa lời mà nói hoặc chuyển qua đề tài khác thoải mái hơn. Sau đó chọn thời điểm thích hợp dùng những lời lẽ dịu dàng, lý lẽ thuyết phục để gợi mở để tạo cơ hội cho chồng nói được ra những gì anh ấy đang suy nghĩ, những gút mắt khó chịu trong lòng anh ấy.
Đàn ông thường gặp nhiều ức chế trong công việc và vợ con chính là động lực, là nơi để chia sẻ, để trút bỏ áp lực.
Khi người chồng nóng giận, người vợ phải cố gắng kiềm chế. Còn ngược lại khi người vợ quá nóng, chồng cũng phải chịu nhường nhịn.
Chưa cần xét đến việc lỗi lầm thuộc về ai, chúng ta cứ đợi cho cả 2 bình tĩnh lại rồi hãy thẳng thắn trò chuyện cùng nhau. Nếu áp dụng theo phương thức này, tình trạng cãi nhau sẽ dần khắc phục.
Yêu nhau là một chuyện nhưng cư xử đúng mực, khôn ngoan để tình cảm ấy ngày càng phát triển là một chuyện khác. Trong mối quan hệ vợ chồng ai thắng ai thua thì mối quan hệ cũng sẽ bị rạn nứt.
Vậy nên mỗi người nhường nhau một ít, tùy trường hợp mà ứng biến phù hợp thì sẽ thuận hòa, giữ gìn được hòa thuận êm ấm. Vợ chồng là duyên là nợ và còn ràng buộc, trách nhiệm về nhiều khía cạnh khác, nhất là con cái nên chúng ta phải cố gắng hết sức để duy trì hạnh phúc gia đình.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin