"Cơm sôi nhỏ lửa..."

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 05/10/2017 (GMT+7)

Người xưa có câu “một sự nhịn, chín sự lành”, “chồng giận thì vợ bớt lời”, “cơm sôi nhỏ lửa chẳng khê hạt nào”. Ai cũng nằm lòng những câu nói này nhưng không phải ai cũng áp dụng được trong mọi tình huống khi người bạn đời nổi cơn “Trương Phi”.

Vợ chồng phải hiểu, cảm thông, cơm sôi phải khéo nhỏ lửa thì mới hạnh phúc. Ảnh minh họa
Vợ chồng phải hiểu, cảm thông, cơm sôi phải khéo nhỏ lửa thì mới hạnh phúc. Ảnh minh họa

Tánh nóng- “cháy” hạnh phúc

Cả xóm ai cũng thương cho chị T.M. vì lấy phải anh chồng nóng còn hơn Trương Phi. Mười mấy năm chung nhà là bấy nhiêu năm chị luôn phải sống nhịn nhục cho yên nhà yên cửa, đỡ xấu hổ với hàng xóm láng giềng.

Anh chồng chị thì được cái rất yêu thương vợ con, là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình nhưng chỉ mỗi cái tật rất nóng nảy, cộc cằn, khó chịu, mỗi khi không hài lòng việc gì là y như rằng nổi cơn tam bành nạt nộ, la mắng vợ con ngay.

Chị mà nhịn thì la chút thôi, chứ nếu nhịn không nổi cự lại là sẽ có “hỗn chiến” ngay, um sùm hàng xóm đã đành nhiều khi còn đập phá đồ đạc, qua chuyện rồi thì lại tốn tiền sắm lại.

Cũng vì nghĩ vậy lại sợ có chuyện hoài không dám nhìn mặt mọi người xung quanh, con cái lớn rồi thì buồn phiền, xấu hổ nên chị T. M. luôn một câu nhịn chín câu lành.

Thế nhưng không vì vậy mà anh chồng giảm bớt tính khí, lại còn thường xuyên vì những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày mà nổi cơn thịnh nộ.

Chị chia sẻ: “Nhiều lúc nhịn không nổi hoặc bị oan ức là tôi phản ứng lại, vậy là có chuyện lớn, mình là phụ nữ làm quá thế nào cũng không lại đàn ông đang cơn thịnh nộ, có khi bị ăn đòn lại khổ.

Vợ chồng lại khắc khẩu nói ra câu nào là có chuyện gây liền, vì thế riết rồi tôi thường nhịn, thường im lặng cho xong, vợ chồng càng ngày càng ít trao đổi, chia sẻ, hạnh phúc cũng dần mất đi”.

Ngược lại, anh M.H. là người chồng luôn phải chịu đựng cô vợ đanh đá, nóng nảy. Không biết mấy cái điện thoại, mấy cái remote tivi bị chị đập nát khi nổi cơn tam bành với chồng.

Nhiều lần anh cũng làm dữ lại, lớn tiếng trị lại nhưng những lần như vậy thì chị lại lăn ra nhà khóc lóc vật vã, thở dốc như sắp chết khiến anh sợ hãi mà sau này thôi cứ im đi cho lành.

Riết như thế chị càng lấn tới, chuyện nhỏ gì không hài lòng một chút là “nổi chiến” liền. Anh giờ chán nản thất vọng đến mức chỉ nói ngắn gọn một câu “nếu không có các con thì tôi ly dị từ lâu rồi”.

Cơm sôi khéo nhỏ lửa

Nhỏ lửa ở đây không có nghĩa là cứ nhịn, cứ im lặng cho qua chuyện. Quan niệm “im lặng cho xong chuyện” là không đúng, nhịn nhiều lần quá dễ trở nên nhu nhược, sống cứ phải phụ thuộc theo ý của đối phương, cái gì cũng phải nghe để tránh cãi vã.

Điều tưởng như cũ nhưng vẫn luôn là tuyệt chiêu đó là đợi hạ hỏa rồi thì mới giải quyết sự việc, khi lửa đang cháy mà có làm gì thì chỉ là đổ thêm dầu vào lửa.

Đối với những ai lỡ lấy phải người bạn đời có tánh khí nóng nảy thì chả lẽ hở chút là ly dị, vì thế cách tốt nhất là phải luyện cho mình sự bình tĩnh và biết kiềm chế, sau đó thì mới giải quyết vấn đề.

Còn nếu trường hợp nào quá đáng, quá bạo lực không cải thiện được thì chuyện ly dị là không tránh khỏi.

Với những người tính tình nóng nảy nếu bạn không hiểu để có cách cư xử cho đúng thì rất dễ dẫn đến “chiến tranh”.

Những người này cũng có nhược điểm của họ là khi hết cơn nóng thì nói gì cũng nghe và ít để bụng. Hãy đợi khi cơn nóng hạ xuống, lúc không khí lắng dịu rồi thì nên nhẹ nhàng phân tích đúng sai, cần khéo léo đừng đổ cái sai hết cho đối phương vì sẽ dễ dẫn đến tự ái và không sửa đổi.

Nên nhỏ nhẹ nhắc lại chuyện và phân tích những yếu tố sai và gây tổn thương người khác khi nóng giận để đối phương hiểu, rút kinh nghiệm.

Khi trao đổi cũng cần thể hiện bản lĩnh, kiên quyết và dứt khoát đưa ra những quy tắc riêng giữa vợ chồng và yêu cầu đối phương phải thay đổi, phải tập kiềm chế bản thân để giữ hạnh phúc gia đình.

Chị M.T. là một người vợ đã rất thành công trong việc cảm hóa ông chồng “Trương Phi” của mình. Chị chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là phải kiên trì và nỗ lực thay đổi dần, không được im lặng để giữ yên hòa khí.

Góp ý mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại rồi chồng của bạn sẽ nhận ra cái sai của mình và sẽ dần sửa đổi. Sẽ có một ngày, bạn bỗng nhận ra người chồng của mình đã hoàn toàn thay đổi tâm tính trở thành một người nhẹ nhàng, dịu dàng đến lạ thường”.

Kiểm soát nóng giận cũng là một thử thách trong cuộc sống mà chúng ta ai cũng nên làm. Đôi khi chỉ một vài hành động nhỏ cũng sẽ dẫn bạn đến những mâu thuẫn, xô xát không đáng có làm mất đi cả danh dự và các mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống, để rồi sau cơn nóng giận thì hối hận muộn màng.

Vì thế nên tập hướng suy nghĩ đến những điều tốt đẹp, theo hướng tích cực, đơn giản hóa mọi vấn đề, nhẹ nhàng để thấy cuộc sống thoải mái, vui vẻ hơn.

Sống với một người chồng hay người vợ nóng tính đòi hỏi mình phải hết sức bình tĩnh và hết sức kiên nhẫn, đồng thời phải cảm thông với người bạn đời thì mới có thể giữ hòa khí trong gia đình.

Đây cũng chính là nguyên tắc vàng giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: HẢI YẾN