Trong tình yêu hay trong cuộc sống vợ chồng, 2 từ "cho" và "nhận" vẫn khá nhạy cảm. Cho và nhận không chỉ là về vật chất mà nó còn thể hiện ở sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Nếu "cho" hoặc "nhận" chỉ một phía mà không song hành thì rất dễ đổ vỡ.
Trong tình yêu hay trong cuộc sống vợ chồng, 2 từ “cho” và “nhận” vẫn khá nhạy cảm. Cho và nhận không chỉ là về vật chất mà nó còn thể hiện ở sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. Nếu “cho” hoặc “nhận” chỉ một phía mà không song hành thì rất dễ đổ vỡ.
Cân bằng giữa “cho” và “nhận” để hạnh phúc luôn đong đầy. Ảnh minh họa |
Khái niệm “cho” và “nhận” đang là vấn đề mâu thuẫn không nhỏ giữa vợ chồng anh T.M và chị M.V. Chị M.V vốn là một cô tiểu thư nhà giàu xinh đẹp, sang chảnh, anh T.M cũng là con nhà gia giáo, lại giỏi giang, có việc làm ổn định.
Say đắm trước sắc đẹp, phong thái của nàng, chàng hết lòng chinh phục. Từ khi quen nhau, nàng đã được chàng chiều chuộng hết mực, đưa đón tận nơi, muốn gì chỉ cần nói là chàng thực hiện ngay.
Đến khi cưới và có với nhau cậu con trai 3 tuổi rồi mà M.V vẫn giữ cách sống và thái độ như vậy với chồng.
Hễ chị yêu cầu gì mà anh chưa kịp đáp ứng là xảy ra chiến tranh liền. Bởi với chị, chồng phải phục vụ, chăm sóc mẹ con chị thật chu đáo.
Cũng không có gì đáng nói nếu như ngược lại chị cũng quan tâm chăm sóc yêu thương chồng như thế. Nhưng bao năm chung sống, anh T.M nhận ra mình cưới phải một cô vợ vô cùng ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân.
Vợ không bao giờ biết chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của anh, chưa nấu được cho anh bữa cơm gia đình trọn vẹn.
Vợ chỉ biết đòi hỏi anh mọi thứ nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cảm nhận của anh, nghĩ đến những điều anh mong muốn mà thực hiện. Vợ anh chỉ biết “nhận” mà chưa hề biết “cho”.
Đỉnh điểm của vấn đề vào một buổi chiều trời đẹp, chị gọi điện thoại cho chồng nói anh tan làm về chở mẹ con chị đi siêu thị, anh từ chối hẹn lại hôm sau vì công ty có tiệc quan trọng.
Chị không đồng ý bảo anh quá quan trọng công việc, bạn bè và nếu anh không về thì đi luôn đừng nhìn mặt mẹ con chị. Hôm đó, anh đã không còn tức tốc chạy về bên chị mà tiếp khách đến tận khuya.
Khi về tới nhà là nằm lăn ra sô pha mà ngủ, đến sáng dậy anh vừa mệt vừa ngỡ ngàng buồn chán vì cả đêm vợ anh không hề ngó ngàng đến chồng “xỉn đến mức nào”, bộ quần áo đi làm vẫn còn nguyên, vợ cũng không thèm gọi chồng vào phòng ngủ mặc cho anh có ra làm sao.
Những ngày sau đó là “chiến tranh lạnh”, lần này anh T. M cũng không thèm nói chuyện trước hay quan tâm gì đến vợ nữa, anh thật sự thấy buồn chán và than thở với bạn thân rằng “thật khổ khi cưới phải một tiểu thư chỉ biết có bản thân”.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp mà nó xảy ra rất thường trong xã hội, nhất là trong gia đình. “Cho” và “nhận” là quy luật tự nhiên, có cho thì có nhận, có nhận thì có cho, chuyện gì cũng phải song hành từ 2 phía thì mới lâu bền được.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cho rằng “cho đi là hạnh phúc”, họ thường “cho” đi bằng việc quan tâm, chăm sóc, hy sinh cho người khác; ngược lại cũng có nhiều người lại chuyên “nhận”, như một bộ phận giới trẻ hiện nay cứ vô tư hưởng thụ mà không cần quan tâm đến điều gì.
Nhưng, nên nhớ rằng muốn lâu bền thì bất cứ điều gì phải có sự hồi đáp thì mới nuôi dưỡng được tình cảm.
Khi bạn cho đi niềm vui, bạn sẽ nhận lại niềm vui, cho đi tiếng cười sẽ nhận lại tiếng cười, cho đi sự quan tâm sẽ nhận lại quan tâm hay cho đi sự động viên niềm tin thì nhận lại được những điều tốt đẹp như thế.
Hãy sống bớt ích kỷ, hãy mở rộng lòng mình bạn sẽ nhận được rất nhiều điều tuyệt vời từ cuộc sống. Làm được điều này thì “cho- nhận” sẽ không còn là một bài toán khó cân bằng.
Cuộc sống vốn đầy áp lực vậy nên vợ- chồng đều cần có sự quan tâm chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau thì mới lâu bền. “Cho và nhận” phải luôn ở thế cân xứng để không ai bất mãn về ai.
Hãy mở rộng lòng mình để cảm nhận tình yêu thương, hãy trao nhau nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để hạnh phúc tràn đầy!
Bài, ảnh: HẢI YẾN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin