Kỳ cuối: "Khai thông" để "đi tắt đón đầu"

09:05, 19/05/2023

Trước mắt, để giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) Vĩnh Long vượt khó, vươn xa; cần phát huy cao nhất nội lực, tiềm lực để "khai thông" những "điểm nghẽn" ở từng địa phương, đơn vị. Cùng với đó là rà soát, tham mưu đầy đủ kịp thời với các ngành chức năng; phối hợp chặt chẽ với địa phương để bố trí, quy hoạch, đầu tư trường lớp phù hợp, có lộ trình và tầm nhìn xa hơn.

Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh ghi nhận những khó khăn, bất cập ở địa phương.
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh ghi nhận những khó khăn, bất cập ở địa phương.

(VLO) Trước mắt, để giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) Vĩnh Long vượt khó, vươn xa; cần phát huy cao nhất nội lực, tiềm lực để “khai thông” những “điểm nghẽn” ở từng địa phương, đơn vị. Cùng với đó là rà soát, tham mưu đầy đủ kịp thời với các ngành chức năng; phối hợp chặt chẽ với địa phương để bố trí, quy hoạch, đầu tư trường lớp phù hợp, có lộ trình và tầm nhìn xa hơn.

Tuy nhiên, giải pháp toàn diện để tháo gỡ những “điểm nghẽn” của GD-ĐT Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung không chỉ ngành GD hay địa phương có thể hoàn thành. Cần lắm những cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội chung tay cho GD ĐBSCL “vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.

Phát huy sức mạnh nội tại

Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Long trong thời gian tới, tình hình mạng lưới trường, lớp trong tỉnh nhìn chung không có nhiều biến động. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu đổi mới GD gắn với kiểm định chất lượng, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng NTM thì cần phải đầu tư nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường.

Từ thực thế thiếu quỹ đất cho GD ở nhiều địa phương, ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, mong rằng: “Lãnh đạo các địa phương quan tâm để có quy hoạch tổng thể mang tính dài hơi cho các điểm trường ở địa phương. Sở GD-ĐT Vĩnh Long đã xây dựng dự thảo quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030 đối với từng trường, từng cấp học”.

Các phòng GD-ĐT cũng đã chủ động, rà soát đánh giá và đề xuất giải pháp cho từng đơn vị trực thuộc, với lộ trình thực hiện dựa trên thực tế kinh phí địa phương. Bên cạnh đó, Vĩnh Long còn đẩy mạnh xã hội hóa GD để kêu gọi sự đầu tư từ bên ngoài.

Qua khảo sát tại các địa phương, ông Nguyễn Đắc Phương- Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, góp ý ngành GD cần: “Phối hợp với địa phương chặt chẽ hơn.

Nâng cao tuyên truyền cho phụ huynh học sinh hiểu về ý nghĩa sáp nhập,... tham mưu UBND tỉnh đầu tư kinh phí để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới GD, kiểm định chất lượng, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng NTM theo tiêu chuẩn quy định.

“Từng đơn vị cần rà soát kỹ xem mình thiếu gì, cần bổ sung gì và tham mưu cho chính xác. Vì mỗi lần đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa rất khó khăn”- ông Nguyễn Đắc Phương đề nghị.

Trên cơ sở rà soát và ngành GD đề xuất những dự án, công trình cấp thiết; kịp thời tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị,... phù hợp với quy hoạch địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD, kiểm định chất lượng, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng NTM. Cùng với đó, cần lưu ý đầu tư cơ sở vật chất hợp lý, đồng bộ tránh lãng phí.

Trường Mầm non Cái Ngang được xây dựng từ sự hỗ trợ của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long.
Trường Mầm non Cái Ngang được xây dựng từ sự hỗ trợ của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long.

Mục tiêu của cơ sở vật chất suy cho cùng là nâng cao chất lượng GD. Trong hoàn cảnh khó khăn còn nhiều, Vĩnh Long cần phải nỗ lực hơn để vừa rà soát bổ sung để hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí cho trường chưa đạt chuẩn tối thiểu; vừa phải bổ sung, kiện toàn cho các trường “cận chuẩn” quốc gia, phát triển GD mũi nhọn.

Tóm lại, phát huy sức mạnh tinh thần “tự lực tự cường” từ con người Vĩnh Long để GD thực sự trở thành mũi “đột phá” thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh vươn lên cùng khu vực và cả nước.

Đột phá về thể chế

Hiện tại, Vĩnh Long cũng như một số tỉnh, thành ĐBSCL có nguồn thu ngân sách rất hạn chế, hệ lụy là dù đầu tư cho GD 20% theo Nghị quyết 29 thì kinh phí này vẫn “rất khiêm tốn” so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Như vậy, chỉ phát huy sức mạnh nội tại, các tỉnh khó khăn khó lòng “đi tắt, đón đầu” để vươn lên cùng cả nước.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Phường 2, TP Vĩnh Long) vừa khánh thành thay cho trường cũ xuống cấp trước đây.
Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Phường 2, TP Vĩnh Long) vừa khánh thành thay cho trường cũ xuống cấp trước đây.

Do đó, Vĩnh Long cũng như các tỉnh, thành ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách, hỗ trợ, đầu tư từ Trung ương để bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất cho các trường giữ chuẩn, xây chuẩn quốc gia, đáp ứng chương trình GD phổ thông 2018, nâng cao chất lượng GD.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển GD ĐBSCL cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho rằng: “Để phát triển GD-ĐT trong thời gian tới, bộ sẽ tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể, chứ không thể là giải pháp đơn lẻ.

Cấp bách là kiên cố hóa trường lớp, trang thiết bị, phòng học bộ môn. Các địa phương rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường học, có phương án phù hợp nhất với khu vực địa hình chia cắt, sông nước. Không sắp xếp máy móc, cơ học nhưng không để phân tán quá sẽ khó nâng chất GD.

Khi xây dựng trường học, cần lưu ý mẫu trường học phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên của khu vực này. Hướng đến mô hình trường học gần gũi với thiên nhiên”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần có chính sách đặc thù cho GD ĐBSCL. Cụ thể như chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, học sinh ven sông, học sinh bị ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu,... Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần tham mưu Chính phủ xây dựng Đề án “Xây dựng trường chuẩn quốc gia vùng ĐBSCL”. Nếu có đề án này, chất lượng GD của Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung sẽ được nâng lên”.

Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch hành động của ngành, trong đó có những đột phá về thể chế; rà soát chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tài chính, đất đai trong GD.

Bộ sẽ đề xuất tăng cường kiên cố hóa, đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ phát triển GD ĐH, đào tạo nhân lực cho vùng ĐBSCL, quan tâm GD vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…

Vĩnh Long cũng như các tỉnh, thành ĐBSCL đang mong chờ những cơ chế riêng, những đột phá thể chế cho GD-ĐT vừa “thoát khỏi vùng trũng”.

Cùng với đó, nhiều cán bộ quản lý GD cũng đã gửi gắm những kiến nghị đến đoàn khảo sát HĐND tỉnh, đến Bộ GD-ĐT, sửa đổi Thông tư 13 phù hợp với thực tiễn hơn.

Ông Lê Tấn Hiện- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Bình, đề nghị với Bộ GD-ĐT: “Qua thực tế giảng dạy ở địa phương, chúng tôi thấy một số quy định hiện hành về học sinh/lớp, cán bộ quản lý/loại trường không phù hợp, cần được điều chỉnh”.

Theo ông Hiện, số lượng học sinh/lớp: bậc mầm non- mẫu giáo không quá 25 trẻ/lớp; cấp tiểu học không quá 30 học sinh/lớp; cấp THCS không quá 35 học sinh/lớp. “Quy mô lớp học như thế đảm bảo cho giáo viên tổ chức hoạt động và cá thể hóa dạy học”- ông Lê Văn Thời giải thích.

Gỡ rối cho trường chuẩn quốc gia ở đô thị, Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh tiêu chuẩn đối với trường đạt chuẩn quốc gia khu vực trung tâm các đô thị có diện tích hạn chế, thì diện tích bình quân đối với trẻ mầm non từ 10 m2/trẻ giảm còn 8m2/trẻ, đối với học sinh tiểu học và THCS diện tích bình quân từ 8 m2/học sinh giảm còn 6m2/học sinh.

Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT xác định, quan điểm chỉ đạo đầu tiên là “GD và ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho GD là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, số trẻ mẫu giáo/nhóm lớp tùy theo độ tuổi dao động từ 25-35 trẻ/lớp; học sinh tiểu học không quá 35 em/lớp; học sinh THCS, THPT không quá 45 em/lớp.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh