Gỡ khó cơ sở vật chất cho giáo dục Vĩnh Long vươn xa

Kỳ 2: Nhận diện những nguyên nhân hình thành "điểm nghẽn"

Cập nhật, 05:43, Thứ Năm, 18/05/2023 (GMT+7)
Khó khăn lớn nhất của các trường trên địa bàn TP Vĩnh Long hiện nay là không đủ diện tích đất theo quy định.
Khó khăn lớn nhất của các trường trên địa bàn TP Vĩnh Long hiện nay là không đủ diện tích đất theo quy định.

(VLO) Trước hết phải khẳng định giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) luôn được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, các cấp, ban, ngành và toàn xã hội quan tâm, đầu tư. Đáp lại kỳ vọng đó, ngành GD Vĩnh Long đã nỗ lực vượt khó và đạt nhiều thành tích đáng kể.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng mạng lưới trường lớp trong tỉnh đã có những “điểm nghẽn” với nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để GD Vĩnh Long “đi tắt đón đầu” bắt kịp và vươn lên cùng cả nước; từng đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành cần rà soát, tìm hiểu rõ nguyên nhân “biết người biết ta” để “đánh đâu thắng đó”.

Sắp xếp chưa sát thực tiễn

Theo Sở GD-ĐT Vĩnh Long, trong quá trình thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường lớp còn gặp không ít khó khăn như: một số cơ sở GD xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều điểm lẻ, khoảng cách giữa các điểm khá xa, không đủ diện tích, quỹ đất để đầu tư xây dựng, mở rộng còn hạn chế, một số địa phương thực hiện công tác quy hoạch còn chậm, chưa phù hợp,...

Để đánh giá kết quả thực hiện chủ trương này, đoàn khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh vừa có chuyến làm việc trực tiếp với một số trường học, phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT.

Tại điểm khảo sát, giám sát cuối chương trình- Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Đắc Phương- Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, lưu ý: “Quá trình sắp xếp nhiều nơi chưa sát yêu cầu thực tiễn; sắp xếp cơ học chưa đúng yêu cầu Thông tư 13. Số điểm lẻ các trường còn nhiều; như mầm non, tiểu học đến 267 điểm lẻ.

Bình quân một trường tiểu học có đến 1,93 điểm lẻ”- ông Nguyễn Đắc Phương cho rằng: “Do nhận thức chưa tốt, chưa tuyên truyền đủ để giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu được ý nghĩa của sáp nhập là để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh”.

Trường THCS Nhơn Bình (Trà Ôn) chỉ có 6 lớp với 157 học sinh, bình quân 26 học sinh/lớp, không đảm bảo thành lập điểm trường theo quy định. Đặc biệt, trong cơ sở đang xuống cấp của trường này, có một phòng học của Trường Mầm non Nhơn Bình!

Theo người dân địa phương thì tình trạng này đã nhiều năm nay. Như vậy, điểm trường này không chỉ “thiếu đủ thứ” phòng chức năng, phòng học so quy định đã xuống cấp nhiều năm nay, gây khó khăn cho việc dạy và học của học sinh cả hai trường.

Theo lý giải của Trường THCS Nhơn Bình về lượng học sinh ít so với chuẩn chung, do trường gần TT Tam Bình- chỉ cách một con sông nhỏ, phà thông suốt.

Tâm lý phụ huynh học sinh thích con học trường trung tâm huyện vẫn còn. Bên cạnh đó, xã Nhơn Bình giáp ranh xã Hòa Bình, xã này lại có Trường THCS-THPT Hòa Bình. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Trường THCS Nhơn Bình xuống cấp cũng làm ảnh hưởng tâm lý của nhiều học sinh.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tính theo cấp học ở Vĩnh Long hiện nay lần lượt là mầm non 59%, tiểu học 72,7%, THCS 74,1% và THPT là 47%. Trong khi đó, chỉ tiêu về tỷ lệ cơ sở GD đạt chuẩn đến năm 2030 ở bậc mầm non là 75%, tiểu học 70%, THCS 80% và THPT là 90%. Như vậy, để đạt con số kỳ vọng đến năm 2030 với Vĩnh Long là rất khó khăn, cần rất nhiều kinh phí.

Dù không đủ số lớp so quy định thành lập trường nhưng Trường THCS Nhơn Bình đã được khởi công xây dựng gần khu vực trung tâm xã và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2024, với vốn đầu tư 23 tỷ đồng để đảm bảo đủ chuẩn cho trường theo quy định.

Số phòng chức năng nhiều hơn phòng học, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm học 2024-2025.

Chia sẻ khó khăn với đoàn kiểm tra, ông Lê Văn Thời- Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Bình, cho rằng: “Thông tư 13 có những điểm chưa hợp lý. Yêu cầu phát triển GD căn bản, toàn diện ngày càng cao mà nguồn lực chậm đáp ứng.

Đây là khó khăn bao trùm nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp lại tác động trực tiếp đến phụ huynh học sinh nên công tác vận động, tuyên truyền gặp khó khăn”.

Trường có nhiều điểm lẻ sẽ khó khăn cho đầu tư xây dựng, nâng cấp, cùng với đó là điều kiện vệ sinh môi trường, hệ thống thoát nước,... Trong khi ngân sách tỉnh còn khó khăn không thể đầu tư dàn trải, nhưng cũng không thể chỉ tập trung đầu tư trường đạt chuẩn, làm mất công bằng trong thụ hưởng GD của học sinh.

Chưa phối hợp nhịp nhàng

Thực tiễn sáp nhập, đầu tư, quy hoạch mạng lưới trường lớp nhiều nơi còn khó khăn, chưa đạt hiệu quả. Một trong những nguyên nhân là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa quản lý ngành GD các cấp và chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, bố trí sáp nhập trường lớp.

Hệ quả không chỉ gây khó khăn cho việc dạy và học đủ trang thiết bị cho học sinh mà còn kéo theo nỗi lo “rớt chuẩn” quốc gia.

Trường THCS Nhơn Bình chỉ có 6 lớp học với hơn 150 học sinh, chưa đạt quy mô tối thiểu.
Trường THCS Nhơn Bình chỉ có 6 lớp học với hơn 150 học sinh, chưa đạt quy mô tối thiểu.

Tại TP Vĩnh Long, hiện vẫn còn một số trường, điểm trường, phòng học được xây dựng từ trước năm 1990 nay đã xuống cấp nhưng vẫn phải sử dụng do nhu cầu thực tế.

Một số trường học còn điểm lẻ, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD. Ông Ngô Thanh Sơn- Trưởng Phòng GD-ĐT TP Vĩnh Long, thông tin: “Nhiều trường có diện tích mặt bằng, sân bãi không đúng tiêu chuẩn, thiếu các phòng chức năng do thiếu diện tích đất, địa phương gặp khó khăn trong việc thu hồi, mở rộng diện tích đất cho các trường.

Trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập ở một số trường còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đạt các tiêu chí theo quy định mới”.

Chia sẻ vấn đề này, ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, xác định: “Khi thực hiện Thông tư 13, 14, khó khăn lớn nhất của TP Vĩnh Long chính là về quỹ đất.

Xuất phát từ nguyên nhân, khi xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, phổ thông, bộ không căn cứ vào quy chuẩn xây dựng Việt Nam của trường mầm non, tiểu học, trung học dẫn đến một số yêu cầu bất hợp lý”.

Trong khi đó, huyện Vũng Liêm địa bàn rộng với 20 đơn vị xã, thị trấn, địa hình sông ngòi chằng chịt, nên mạng lưới trường lớp phân tán nhiều điểm lẻ.

Theo Phòng GD-ĐT huyện, vì nhiều điểm lẻ nên đội ngũ quản lý, nhân viên, giáo viên “phình to” theo số lượng trường, điểm trường, sĩ số học sinh thấp trên số lớp học, nhưng phải đảm bảo giáo viên phụ trách lớp.

Một số đơn vị gặp khó khăn trong khâu phối hợp với địa phương khi xây dựng trường lớp mới không đúng và đủ chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT, chưa “dành” quỹ đất để đảm bảo điều kiện chuẩn quốc gia sẽ nâng cao hơn theo thời gian. Cùng với đó là việc bố trí nhiều điểm trường nằm cạnh nhau dễ gây mất ATGT,…

Nhận diện nguyên nhân của những khó khăn, để tìm giải pháp hợp lý nhất cho mạng lưới trường lớp Vĩnh Long hiện nay. Tin rằng, khi được sắp xếp, đầu tư quy hoạch hợp lý chất lượng GD các mặt sẽ càng được nâng cao hơn nữa, góp phần cho đào tạo nhân lực, phát triển kinh tế- xã hội.

Thông tư 13 quy định, trường mầm non có tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp; đối với các xã thuộc vùng khó khăn, quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp. Trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 30 lớp; đối với các trường thuộc xã khó khăn quy mô tối thiểu 5 lớp.

Trường THCS có tối thiểu 8 lớp và tối đa 45 lớp. Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Bố trí không quá 2 điểm trường, mỗi điểm trường không ít hơn 3 lớp.

Kỳ cuối: “Khai thông” để “đi tắt đón đầu”

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- CAO HUYỀN