Gỡ khó cơ sở vật chất cho giáo dục Vĩnh Long vươn xa

05:05, 17/05/2023

Thực hiện chủ trương sắp xếp, quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường lớp trong tỉnh, thời gian qua giáo dục (GD) Vĩnh Long cơ bản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở GD được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị.

Những trường phổ thông được xây dựng gần đây, đảm bảo được quy định, khang trang, hiện đại.
Những trường phổ thông được xây dựng gần đây, đảm bảo được quy định, khang trang, hiện đại.

(VLO) Thực hiện chủ trương sắp xếp, quy hoạch, đầu tư mạng lưới trường lớp trong tỉnh, thời gian qua giáo dục (GD) Vĩnh Long cơ bản phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở GD được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, việc sáp nhập mạng lưới trường lớp ở một số nơi chưa đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đầu tư từ trước không đáp ứng được chuẩn mới theo Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT. Vĩnh Long có nhiều trường “rớt chuẩn” quốc gia, thậm chí không đạt tiêu chuẩn tối thiểu.

Kỳ 1: Thực trạng khó khăn “mỗi nơi mỗi kiểu”

Học sinh Trường THCS Mỹ Thạnh Trung hiện chưa đủ phòng chức năng, trang thiết bị tối thiểu phục vụ nhu cầu học tập theo quy định. Một lớp kiểm tra tin học phải chia làm 2 ca.
Học sinh Trường THCS Mỹ Thạnh Trung hiện chưa đủ phòng chức năng, trang thiết bị tối thiểu phục vụ nhu cầu học tập theo quy định. Một lớp kiểm tra tin học phải chia làm 2 ca.

Sáp nhập đầu tư quy hoạch mạng lưới trường lớp theo Thông tư 13 được Vĩnh Long thực hiện gần 3 năm bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng kể, chất lượng GD phổ thông từng bước được nâng lên.

Bên cạnh những hiệu quả đạt được thì ngành GD tỉnh gặp nhiều khó khăn, từ việc đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu đến sáp nhập sao cho hợp lý, đảm bảo đủ trang thiết bị cho học sinh học tập tốt và thuận lợi đến trường, đến việc giữ chuẩn, tái chuẩn quốc gia với các trường có nguy cơ “rớt chuẩn”.

“Rớt chuẩn”

Toàn tỉnh Vĩnh Long có 264 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66,3% so tổng số trường trong tỉnh.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Vĩnh Long nhiều cơ sở GD có nguy cơ không được tái công nhận chuẩn quốc gia khi kiểm định lại, vì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định tại Thông tư số 13 năm 2020 của Bộ GD-ĐT, về ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Rà soát ở các trường công lập, toàn tỉnh có 64 trường không đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, 105 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu.

Căn cứ theo quy định trường chuẩn quốc gia, toàn tỉnh có 169 trường không đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, nếu không đầu tư, nâng cấp sẽ có hơn 40 trường sẽ
“rớt chuẩn”!

Trường THCS Tân An Hội (Mang Thít) được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2019 và có chất lượng GD nằm trong “top đầu” các trường THCS ở huyện Mang Thít.

Thầy Nguyễn Tấn Lập- Hiệu trưởng Trường THCS Tân An Hội, cho biết: “Trường có 8 lớp với 230 học sinh, hiện tại phòng học bộ môn chưa đảm bảo diện tích, thiết bị bên trong chưa đảm bảo theo quy định.

Cụ thể, trường còn thiếu các phòng bộ môn như phòng khoa học tự nhiên, âm nhạc, mỹ thuật, phòng đa chức năng… để nhà trường tái công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm tới”.

Một số phòng do xây dựng từ năm 2018 nên quy cách, tiêu chuẩn phòng học, phòng chức năng, diện tích chưa đảm bảo theo quy định của Chương trình GD phổ thông 2018”- thầy Lập
lo lắng.

Rớt chuẩn tại một số trường không còn là “nỗi lo” mà ở một vài nơi đã trở thành “hiện thực”. Từng là trường chuẩn quốc gia mức độ 2, nhưng những năm gần đây Trường Tiểu học TT Trà Ôn “rớt chuẩn” do quy mô quá đông và không đủ phòng chức năng cho học sinh.

Thầy Nguyễn Khắc Nhu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học TT Trà Ôn, cho hay: Trường có đến 1.185 học sinh đang học ở 30 lớp, bình quân mỗi lớp gần 40 học sinh.

Trước sự quá tải về quy mô- cao hơn quy định 10 học sinh/lớp, từ không có điểm lẻ, để đáp ứng trước tình hình trường được Phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện chỉ đạo tận dụng cơ sở vật chất từ Trung tâm GD thường xuyên huyện Trà Ôn.

Như vậy, trong khi đang thực hiện sáp nhập mạng lưới trường lớp thì trường này thêm 1 điểm lẻ với 6 phòng học, dành cho tất cả học sinh khối 5. Thầy Nhu cho biết: “So về diện tích 10 m2/học sinh thì trường đạt chuẩn nhưng diện tích phòng học nhỏ hơn quy định và không đủ phòng chức năng cho học sinh thực hiện chương trình GD phổ thông 2018”.

Không chỉ đơn lẻ một vài trường mầm non, phổ thông mà nhiều trường học trong tỉnh Vĩnh Long đã “rớt chuẩn” vì tiêu chuẩn cơ sở vật chất mới. Có thể hiểu, trường chuẩn quốc gia đi kèm với nhiều yếu tố, quy định về trang thiết bị, chất lượng GD là “thước đo” nhằm đảm bảo điều kiện học tập tốt cho học sinh.

Khó khăn “mỗi trường mỗi cảnh”

Bên cạnh băn khoăn “rớt chuẩn”, không ít trường học trong tỉnh thậm chí còn không đủ điều kiện tối thiểu theo quy định.

Tọa lạc tại Phường 4 (TP Vĩnh Long) nhưng Trường Mầm non 4 lại khá chật hẹp, manh mún. Trường này hiện có 9 nhóm lớp với 215 trẻ nhưng lại có đến 3 điểm trường.

Trường Mầm non 4 (Phường 4, TP Vĩnh Long) còn nhiều khó khăn vì diện tích nhỏ hẹp, hết niên hạn sử dụng, nhiều điểm lẻ khó tập trung đầu tư.
Trường Mầm non 4 (Phường 4, TP Vĩnh Long) còn nhiều khó khăn vì diện tích nhỏ hẹp, hết niên hạn sử dụng, nhiều điểm lẻ khó tập trung đầu tư.

Điểm nhỏ nhất có 1 nhóm lớp, kế đến là 2 nhóm lớp và điểm chính có 6 nhóm lớp. Với tổng diện tích hơn 1.100m2, bình quân mỗi trẻ chỉ có 5,2m2, bằng 50% so với quy định chuẩn tối thiểu 10 m2/trẻ.

Cô Trần Thị Hoa Thơ- Hiệu trưởng Trường Mầm non 4, trải lòng: “Chưa có lớp học đạt 100% thiết bị dạy học theo quy định; cơ sở vật chất xuống cấp, hết niên hạn sử dụng, hiện trạng nhà đến 2023 giá trị còn lại bằng 0”, cô Trần Thị Hoa Thơ nói thêm: “Mong muốn lớn nhất của tập thể trường là đề án xây dựng trường mới nhanh chóng được duyệt và đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ”.

Dù sân chơi, bãi tập nhỏ, hẹp chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi ngoài trời cho các cháu, gây khó khăn cho việc tổ chức các phong trào, lễ hội, sự kiện… cho trẻ nhưng nhà trường phấn đấu vượt khó khăn, xây dựng môi trường vật chất trong và ngoài lớp học phù hợp tình hình thực tế, phù hợp quy định theo chủ đề năm học.

Kết quả tỷ lệ phát triển 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ và phát triển tình cảm xã hội đều hơn 90%.

Trường THCS Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) là trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện Tam Bình từ năm 2009. Tuy nhiên, cũng chính vì đạt chuẩn từ sớm nên khi có những quy định mới về trường chuẩn quốc gia thì trường này không đáp ứng được và “rớt chuẩn”.

Ông Nguyễn Hữu Hiền- Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thạnh Trung, cho biết: “Với diện tích gần 6.000m2, nhà trường thiếu gần 3.000m2 so với chuẩn quy định. Về phòng học, trường hiện có 17 phòng học đang xuống cấp cần tu sửa và thiếu 11 phòng chức năng, khối phụ trợ”.

Là nhà giáo có hơn 30 năm gắn bó với trường này, thầy Lưu Quốc Hưng chia sẻ: “Chúng tôi mong trường được tái công nhận chuẩn không chỉ vì mục tiêu để xã Mỹ Thạnh Trung đạt chuẩn NTM năm 2023 này; mà quan trọng hơn hết là cho học sinh có điều kiện học tập đầy đủ trang thiết bị”.

Trường THCS Mỹ Thạnh Trung đặc biệt có vị trí nhà vệ sinh không đúng quy định. Khu vệ sinh giáo viên và học sinh được xây dựng cùng một khu và toàn trường 1 trệt 1 lầu chỉ có một khu vệ sinh này.

Chưa kể, khu vệ sinh được xây dựng từ năm 2002 và nằm cách biệt phía sau trường, cách dãy phòng học gần nhất chừng 50m. Trong điều kiện mưa hay nắng thì nhu cầu tối thiểu này cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung, bên cạnh “điểm nghẽn” về diện tích không đủ, khó mở rộng hoặc không còn quỹ đất công để đầu tư xây mới, quy mô học sinh quá lớn ở một số trường, không đủ phòng chức năng,... thì việc sáp nhập chỉ giảm đầu mối, giữ nguyên điểm lẻ, không giúp học sinh được tiếp cận cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập.

Năm học 2022-2023 toàn tỉnh có 398 trường mầm non, phổ thông. Thời gian qua, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, thực hiện quyết liệt. So với năm học 2021-2022, năm học này đã giảm 3 trường và 22 điểm lẻ trong tất cả bậc học.

Kỳ 2: Nhận diện những nguyên nhân hình thành “điểm nghẽn”

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh