Những năm qua, giáo dục phổ thông ĐBSCL dần thay da đổi thịt với nhiều tỷ lệ bằng hoặc trên bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn như còn thiếu trường lớp, tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu; trang thiết bị cho dạy và học còn nhiều khó khăn.
Mạng lưới trường lớp, trang thiết bị còn nhiều khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
Những năm qua, giáo dục phổ thông ĐBSCL dần thay da đổi thịt với nhiều tỷ lệ bằng hoặc trên bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn như còn thiếu trường lớp, tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu; trang thiết bị cho dạy và học còn nhiều khó khăn.
Còn thiếu và thấp
Từ chủ trương, chính sách của Trung ương, được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và toàn xã hội, giáo dục phổ thông ĐBSCL đã có sự phát triển về quy mô, mạng lưới trường lớp, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ xóa mù chữ,…
Ông Nguyễn Minh Luân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Trong điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn, việc nâng cấp trang bị cho cơ sở giáo dục là rất khó, nhưng trong 5 năm qua, Cà Mau đã đầu tư trung bình mỗi năm 100 tỷ đồng cơ sở vật chất cho giáo dục”. Dẫu vậy, giáo dục phổ thông ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn với tỷ lệ bình quân thấp hơn cả nước, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế- xã hội.
Về giáo dục mầm non, tỷ lệ huy động trẻ tăng nhưng vẫn thấp hơn 16% so với tỷ lệ chung toàn quốc và là vùng có tỷ lệ thấp nhất cả nước. Quy mô cơ sở giáo dục THPT còn tương đối nhỏ, chưa xứng đáng với tiềm năng và nhu cầu của gần một triệu học sinh cấp THCS.
Trong công tác xóa mù chữ dù đã có nhiều cố gắng, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn so với tỷ lệ biết chữ trung bình của cả nước tại cùng thời điểm. Năm học 2019-2020, tỷ lệ biết chữ của vùng ĐBSCL trong độ tuổi 15-60 là 93,85%, tỷ lệ biết chữ trung bình của cả nước là 97,85%.
ĐBSCL vẫn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cấp học mầm non, còn thiếu gần 600 phòng học và cấp tiểu học thiếu hơn 3.200 phòng học để đạt tỷ lệ 1 lớp/phòng đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày. Đó là chưa tính đến số lớp, phòng học để bảo đảm số học sinh/lớp theo quy định. Đặc biệt ở khu vực điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vẫn còn 1.279 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.
Từ năm học 2022-2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đối với phòng học Tin học số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới, tiên tiến để đáp ứng nhu cầu dạy học. Đối với phòng học Ngoại ngữ số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.
Nhìn chung, số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia cũng còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.
Vĩnh Long có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT cao hơn tỷ lệ tốt nghiệp trung bình cả nước. |
Khai thông cho giáo dục phổ thông
Do vị trí địa lý của vùng ĐBSCL có đặc trưng nhiều sông nước kênh rạch, hệ đất nền yếu do đó việc đầu tư cơ sở vật chất tốn kém và khó khăn hơn so với các vùng khác trong cả nước. Nguồn lực phát triển của địa phương còn hạn chế nên mới đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Để giáo dục ĐBSCL phát triển cao hơn, ĐBSCL cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Ví dụ như để tăng cường huy động trẻ mầm non vào lớp học hai buổi một ngày thì cần hỗ trợ chi phí học tập, chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa,… cho học sinh có điều kiện sống không được đảm bảo”.
Bà Nguyễn Thị Bạch Vân- Giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh, kiến nghị: “Bộ GD-ĐT xem xét tham mưu Chính phủ sớm có đề án, chương trình mục tiêu, hỗ trợ nguồn lực giúp địa phương còn khó khăn hạn chế như tỉnh Trà Vinh đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư mua sắm công cho giáo dục của tỉnh theo kế hoạch đầu tư công, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn địa phương, cụ thể là nguồn xổ số kiến thiết, không thể đáp ứng nhu cầu nguồn lực để thực hiện đầu tư theo đúng lộ trình”- bà Bạch Vân nói.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, khó khăn về kết cấu hạ tầng, một gói các công việc, có giải pháp tổng thể, chứ không thể là giải pháp đơn lẻ. Cấp bách là kiên cố hóa, trang thiết bị, phòng học bộ môn, điều này, rất mong lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xác định nâng cao mặt bằng dân trí là việc làm cần kíp của ĐBSCL hiện nay. |
“Cần sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường học, có phương án phù hợp nhất với khu vực địa hình chia cắt, sông nước. Không dồn cho bằng được nhưng không để phân tán quá. Khi xây dựng trường học, cần lưu ý mẫu trường học phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên của khu vực này. Trước mắt, mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là một yêu cầu đặc thù, cần thiết của ĐBSCL”- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, trong Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những tỷ lệ sáng Trong 13 tỉnh của khu vực, có tới 4 tỉnh có tỷ lệ học sinh tiểu học lên lớp cao hơn trung bình cả nước. Tỉnh có tỷ lệ cao nhất là Vĩnh Long 99,85%, tiếp sau là Long An 99,31%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của cả nước cấp THCS là 98,18%; khu vực ĐBSCL 98,5%, xếp thứ 3 trong 6 khu vực. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của cả nước cấp THPT năm học 2019-2020 của cả nước là 96,74%; khu vực ĐBSCL 97,64% xếp thứ 2 trong 6 khu vực. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin