Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2025. Nhiều giáo viên và học sinh trong tỉnh đồng thuận với phương án đưa ra vì phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, dự thảo kỳ thi giúp học sinh định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm, các trường có thời gian chuẩn bị.
Tại những địa phương có đủ điều kiện sẽ tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính. |
(VLO) Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT, sẽ được triển khai thực hiện từ năm 2025. Nhiều giáo viên và học sinh trong tỉnh đồng thuận với phương án đưa ra vì phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, dự thảo kỳ thi giúp học sinh định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm, các trường có thời gian chuẩn bị.
Phù hợp chương trình mới
Những điểm mới quan trọng trong dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Cô Nguyễn Thị Hoài Dung- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn) cho rằng: “Dự thảo thi tốt nghiệp THPT bước đầu cho thấy sự chuẩn bị đường dài phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm mới của phương án này là có 4 môn bắt buộc trong 9 môn.
Song song đó, 2 môn thi tự chọn trong các môn mà các em đã tự chọn từ năm lớp 10, như vậy, các em sẽ có điều kiện để chọn học từ sớm và trường cũng có điều kiện để tổ chức dạy ôn phù hợp cho học sinh”.
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ được áp dụng đối với học sinh lớp 10 năm học 2022-2023. |
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục quy định khung thời gian tổ chức thi chung phù hợp với kế hoạch thời gian từng năm học. Sau giai đoạn 2030, phấn đấu đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính, sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm. Bộ GD-ĐT đang ghi nhận các ý kiến xã hội đóng góp cho dự thảo, có thể xem toàn văn dự thảo tại https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8457. |
Cùng với đó là định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn, từ các môn học sinh chọn học.
Phương án thi này giúp học sinh định hướng nghề nghiệp sớm, có thời gian chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích.
Đối với học sinh, dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tạo điều kiện cho các em có nhiều sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích ngay từ đầu cấp học.
Em Nguyễn Ngọc Phương Vy- học sinh lớp 10, Trường THPT Vĩnh Long (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Có thêm môn thi bắt buộc và được chọn thêm 2 môn thi tự chọn giúp em chọn những môn thi phù hợp với ngành nghề mình đã định hướng.
Từ đó, em sẽ cố gắng học tập thật tốt ngay từ bây giờ để có thể đậu vào trường ĐH mà mình mong muốn”.
Theo một số học sinh đã thi tốt nghiệp THPT, việc thi các môn thành phần liên tục của bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội như hiện nay, gây áp lực không nhỏ đối với các em học sinh.
Em Ngô Hoàng Phúc- học sinh lớp 10, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn): “Em thấy thời gian chuẩn bị cho kỳ thi được dài hơn và em được tự chọn 2 môn trong các môn còn lại, em sẽ bớt áp lực hơn”.
Song song đó, với phương án thi này, từng bước đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.
Có thể thấy, sự thay đổi này phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, các em sẽ có thời gian dần dần làm quen và nhà trường cũng có phương án, lộ trình chuẩn bị từ sớm.
Mừng và lo với môn Lịch sử
Tuy nhiên, vấn đề môn Lịch sử thành môn bắt buộc và chi tiết tổ chức thi, số ngày thi,… làm không ít giáo viên học sinh băn khoăn.
Cô Nguyễn Thụy Khánh Vy- giáo viên Trường THPT Vĩnh Long (TP Vĩnh Long) cho hay: “Tôi hoàn toàn đồng thuận với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đặc biệt, trong các môn bắt buộc có môn Lịch sử, theo tôi như vậy sẽ giáo dục được lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Học sinh mong muốn chương trình học, câu hỏi thi Lịch sử không đi vào số liệu dữ kiện khó nhớ khó học, khi môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc. |
Ngoài ra, còn thêm 2 môn Công nghệ và Tin học là môn thi tự chọn phù hợp với xu thế phát triển chuyển đổi số quốc gia và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta hiện nay”.
“Băn khoăn của tôi là nếu thi 6 môn độc lập như dự thảo thì kỳ thi sẽ được tổ chức như thế nào? Tôi mong khi có phương án chính thức, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, quy chế tổ chức thi cụ thể để học sinh và các trường có chiến lược ôn thi hợp lý, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi”, cô Dung nói thêm.
Bên cạnh, một số giáo viên và học sinh băn khoăn khi môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc sẽ là áp lực với các học sinh chọn khối tự nhiên. Một số học sinh cho rằng, môn Lịch sử có quá nhiều bài, nội dung dài và các em còn phải học thuộc lòng toàn những dữ kiện.
Trong khi Lịch sử có nhiều nhân vật rất hay có thể trở thành thần tượng, anh hùng trong lòng tuổi trẻ lại xuất hiện rất mờ nhạt.
Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần đổi mới mạnh mẽ cách ra đề môn Lịch sử. Nếu không thì dù có bắt buộc cũng không cải thiện được thái độ của giới trẻ đối với môn Lịch sử.
Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy, đồng thời từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Phương án này được kỳ vọng vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy và học theo sự tiến bộ của người học. Đồng thời, kết quả thi đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo xét tuyển, học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin