Hợp tác giáo dục Việt Nam - Lào "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững"

Kỳ cuối: Đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, đào tạo tinh hoa

Cập nhật, 05:41, Thứ Sáu, 21/10/2022 (GMT+7)
Lưu học sinh Lào tốt nghiệp về nước phục vụ góp phần xây dựng kinh tế - xã hội Lào.
Lưu học sinh Lào tốt nghiệp về nước phục vụ góp phần xây dựng kinh tế - xã hội Lào.

(VLO) Để nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác giáo dục hai nước, đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030” được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục - Thể thao Lào.

Song song đó, những diễn đàn, hội thảo được tổ chức với mục tiêu tìm ra những giải pháp chiến lược, các nhiệm vụ cụ thể để tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Hướng tới đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, đào tạo tinh hoa.

Đồng bộ các giải pháp

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Văn Phúc, đề án trên đã đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào cho giai đoạn 2021 - 2030.

Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước trong việc tiếp tục vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và thủy chung trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào trong giai đoạn mới.

Theo đó, công tác tuyển sinh học sinh, sinh viên Lào thống nhất thực hiện qua Bộ Giáo dục - Thể thao Lào, tất cả các LHS sang học tập tại Việt Nam phải có quyết định cử đi học của bộ này.

Các cơ sở giáo dục Việt Nam chỉ tiếp nhận LHS Lào có quyết định trên, để đảm bảo điều kiện tối thiểu về chất lượng đầu vào và đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lào.

Thống nhất sử dụng bộ sách dạy tiếng Việt do Bộ GD - ĐT Việt Nam biên soạn giai đoạn 2017 - 2021 tại tất cả các cơ sở giáo dục có dạy tiếng Việt tại Lào.

Đồng thời, Bộ GD - ĐT Việt Nam tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt tại các cơ sở giáo dục của Lào thông qua các chương trình tập huấn ngắn hạn tại Việt Nam.

Thực tế, LHS khó khăn về ngôn ngữ dẫn đến giảm chất lượng đào tạo, do đó, LHS Lào nếu chưa biết tiếng Việt phải học dự bị tiếng Việt tại Lào 4 tháng trước khi sang Việt Nam học tiếng Việt nâng cao trong thời gian tối đa 1 năm học.

Ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD - ĐT lưu ý: “Các cơ sở giáo dục Việt Nam cần đánh giá LHS Lào như sinh viên Việt Nam, nếu không đạt yêu cầu thì cho học lại, không tạo điều kiện cho LHS Lào tốt nghiệp khi chưa đủ điều kiện”.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo bậc THPT cho Lào để tạo nguồn nhân lực ưu tú, tinh hoa cho các bậc học tiếp theo. Các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ sẽ xây dựng mô hình, chương trình đào tạo bậc THPT phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới. Đối với đào tạo bậc ĐH, sau ĐH theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Lào, ưu tiên những ngành, nghề mà Việt Nam có thế mạnh.

Phối hợp chặt chẽ

Nhiều trường ĐH Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt đối với LHS Lào vì các em phải sống xa gia đình, người thân và học tập trong môi trường khác biệt ngôn ngữ, văn hóa.

Một số trường có ít LHS nên các em thiếu bạn bè để chia sẻ, động viên. Nắm bắt điều này, nhiều trường sẽ báo kết quả học tập theo học kỳ của LHS đến ban giám hiệu để kịp thời có kế hoạch hỗ trợ những học sinh yếu kém.

Điểm sáng chất lượng giáo dục THPT, Trường Song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du ở Thủ đô Viêng Chăn, được xây dựng từ năm 2005 do nguồn tài trợ từ Chính phủ Việt Nam. Trường giảng dạy bằng hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Lào. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Năm học 2022 - 2023 trường có 30 lớp học từ mầm non đến lớp 12 với trên 1.000 học sinh. Trường luôn duy trì được chất lượng học tập tốt, trong top đầu các trường huyện, tỉnh. Nhiều học sinh đạt giải cao, đây là trường tiêu biểu điển hình ở Lào”.

LHS Vonnesy Vilayphon đang chuẩn bị báo cáo luận văn thạc sĩ tại Trường ĐH Cửu Long khoe tin nhắn hỏi thăm của Ban Giám hiệu ĐH Cửu Long trong Zalo.

Vonnesy cười: “Thầy cô quan tâm đến LHS lắm, cái gì mình không hiểu hỏi thầy cô cũng nói cho biết. Nhiều thầy cô trong trường nhớ tên, biết mặt hết LHS. Khi có bạn nào bệnh, nhập viện thì thầy cô thành người nhà đi nuôi chăm sóc”.

Về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng LHS Lào, ông Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Tăng cường đào tạo tiếng Việt cho LHS, bố trí làm việc nhóm chung với sinh viên bản địa, gửi giáo viên thường xuyên theo dõi hướng dẫn giúp đỡ sinh viên lựa chọn môn học, tổ chức các lớp học riêng cho LHS đối thoại định kỳ”.

Trường ĐH Mở Hà Nội thì đề nghị, tăng cường hợp tác giáo dục Việt - Lào thông qua hợp tác xây dựng các khóa học trực tuyến đại chúng mở.

Theo đại diện trường này, các khóa học trực tuyến sẽ được triển khai công khai chính thống thông qua cổng thông tin của ngành giáo dục hai nước để có thể tiếp cận được số lượng học sinh ở diện rộng hơn và sớm hơn.

Như vậy, học sinh trước khi đi du học cũng có thể nắm được một số hiểu biết nhất định về phong tục, văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội của nước bạn, hành trang du học của các em sẽ tốt hơn, giúp cho việc hội nhập học tập trong môi trường mới dễ dàng hơn.

Một trong những kinh nghiệm của Trường ĐH Cửu Long là ban hành quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại trường. Hoàn thiện quy trình quản lý LHS đảm bảo quản lý các em một cách hiệu quả khoa học và đảm bảo quyền lợi của LHS.

Đưa tất cả quy chế, quy định, quy trình quản lý lưu học sinh vào sổ tay sinh viên để các em nắm được. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ trong hệ thống quản lý giữa các phòng ban để triển khai công tác đào tạo, quản lý và hỗ trợ các LHS trong quá trình học.

Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực cho Lào. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng cho việc củng cố, tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào trong tình hình mới.

Trường ĐH Cửu Long đã khánh thành Trung tâm Đào tạo tiếng Việt hữu nghị UCL- IICT do Trường ĐH Cửu Long phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào xây dựng tại Thủ đô Viêng Chăn. PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: “Trung tâm có đầy đủ các phòng chức năng, gồm các phòng học lý thuyết, phòng lab đáp ứng môi trường học hiện đại tiếng Việt cho học sinh Lào. Sau khi khánh thành, trung tâm sẵn sàng đào tạo tiếng Việt cho khoảng 100 học viên”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN