Giáo dục Vĩnh Long- một năm gian lao, một năm tự hào

Cập nhật, 20:10, Thứ Ba, 01/02/2022 (GMT+7)

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong tình hình dịch ở Vĩnh Long diễn biến phức tạp vẫn đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong tình hình dịch ở Vĩnh Long diễn biến phức tạp vẫn đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đạt kết quả cao.

(VLO) Cùng cả nước, năm 2021 là năm đặc biệt đối với ngành giáo dục Vĩnh Long, với những sự kiện và thử thách chưa từng có- vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục, vừa chống dịch. Vĩnh Long đã có một kỳ thi tốt nghiệp THPT “chưa từng có” được tổ chức làm 2 đợt. Nhiều trường học trở thành khu cách ly, những giáo viên, học sinh trở thành F0, F1,… Vượt qua những khó khăn, giáo dục tỉnh nhà đã khẳng định được chất lượng giáo dục.

Phấn đấu trong khó khăn

Theo Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vào những tuần cuối cùng của năm học 2020- 2021, nhưng toàn ngành từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đã cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ năm học.

Và đặc biệt là đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 2 đợt thi trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. “Một kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa từng có của ngành giáo dục Vĩnh Long với nhiều áp lực và căng thẳng”- Giám đốc Sở GD- ĐT chia sẻ.

Trong đợt thi này, 3/8 điểm thi dự phòng tại huyện Trà Ôn, Long Hồ và TP Vĩnh Long được kích hoạt dành cho các thí sinh theo phân loại của cơ quan y tế thuộc dạng F3 trên cùng địa bàn. Ngoài ra, tại một số điểm thi có ít thí sinh thuộc dạng F3 đã sử dụng phòng thi dự phòng để tổ chức coi thi. Số lượng thí sinh thuộc dạng F1, F2, F3 tăng theo từng buổi thi.

 

* Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng, vượt khó của đội ngũ toàn ngành giáo dục thời gian qua. Đồng thời, bà đề nghị ngành giáo dục: Tiếp tục bám sát những chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và tỉnh để ứng phó linh hoạt với dịch bệnh. Có kế hoạch ôn tập, củng cố, bổ sung và hệ thống lại kiến thức cho học sinh, đảm bảo kiến thức trọng tâm và cốt lõi.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, ngành giáo dục Vĩnh Long tự hào khẳng định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020- 2021.

Kết quả, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 xếp thứ 8 cả nước, tăng 4 hạng so với năm 2020. Tính theo trung bình từng môn thi, có 3 môn thi có điểm trung bình nằm trong top 10 cả nước, là Sinh học, Địa lý và Lịch sử; đặc biệt, điểm trung bình môn Sinh học đứng thứ nhất cả nước.

Phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2021- 2022, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đánh giá cao những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Đặc biệt, trong mùa hè vừa qua, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp đã khiến cho các giáo viên không có điều kiện để nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình, các em học sinh không được vui chơi giải trí.

Trong điều kiện khó khăn, hơn 1.630 giáo viên, học sinh, sinh viên của tỉnh đã không ngại gian khổ tích cực tham gia phòng chống dịch, tham gia trực tại các chốt kiểm dịch, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, chăm lo chuyện hậu cần, bữa cơm cho các lực lượng tuyến đầu…

Hình ảnh và tinh thần trách nhiệm, sẻ chia của các giáo viên, học sinh, sinh viên đã để lại ấn tượng tốt trong lòng người dân, là tấm gương để các học sinh noi theo.

Nỗ lực vì cộng đồng

Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội và cuộc sống của người dân, trong đó có đội ngũ ngành giáo dục. Tuy nhiên, với trách nhiệm công dân, tấm lòng của nhà giáo, các thầy cô đã tích cực tham gia phòng chống dịch với nhiều hình thức, theo khả năng của mình.

Học trực tuyến là giải pháp hiệu quả để các em học sinh không vì dịch mà dừng học. Ảnh TL
Học trực tuyến là giải pháp hiệu quả để các em học sinh không vì dịch mà dừng học. Ảnh TL

Thầy Đặng Minh Tấn- giáo viên Trường THPT Song Phú (Tam Bình) làm bếp nấu ăn tặng tuyến đầu chống dịch và khu cách ly hàng tháng trời, từ 50 phần ăn lên đến cao điểm 380 phần/ngày. Đến khi bác sĩ chẩn đoán “bị cụp xương sống” vì bưng bê nặng, thầy Tấn vẫn cố gắng nấu ăn thêm mấy ngày nữa, để “ở xã sắp xếp tìm chỗ nấu ăn khác”.

Thấy được ý nghĩa việc thầy Tấn làm, hàng xóm, bà con trong xã đem gửi cho thầy từng trái mướp, từng bó rau,… nhà trồng gì cho nấy, trân quý biết bao những tấm lòng “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Thầy Trần Văn Sang- giáo viên dạy Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình) ngày ngày ngoài giúp đỡ bếp ăn miễn phí cho bệnh viện dã chiến vẫn đều đặn đến với bà con khó khăn.

Thầy Sang chia sẻ: “Thấy nhiều bà con do dịch bệnh không đi làm được, thu nhập không có,… tôi bỏ tiền túi ra cho, rồi học trò tôi thấy vậy cũng gửi về, nhờ thầy tặng bà con”. Những nụ cười và giọt nước mắt vui mừng khi được nhận quà, đã tiếp cho thầy Sang thêm sức mạnh.

Nhiều thầy cô giáo tham gia tuyến đầu chống dịch với một lý do đơn giản “mình không làm thì ai làm”. Cô giáo Nguyễn Thụy Tuyết Loan- Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Vĩnh Long) tình nguyện tham gia chốt kiểm dịch tại phường Tân Hội.

Cô Loan nói: “Dịch thì ai cũng sợ, mình cũng ngán tiếp xúc nhiều người vì nhà còn con nhỏ, mẹ già nữa nhưng ai cũng có hoàn cảnh, mình không làm ai làm”. Không chỉ vậy, cô Loan còn tham gia vận động cho các bếp ăn phục vụ khu cách ly, tuyến đầu chống dịch.

Năm học 2020- 2021, ngành giáo dục đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù phải kết thúc năm học sớm hơn để phòng dịch.
Năm học 2020- 2021, ngành giáo dục đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù phải kết thúc năm học sớm hơn để phòng dịch.

Năm học 2021- 2022, với nhiều thách thức, ngành giáo dục Vĩnh Long xây dựng kế hoạch linh hoạt, hiệu quả, an toàn với tình hình dịch COVID-19, thầy và trò Vĩnh Long cùng nỗ lực dạy và học trực tuyến và các hình thức học từ xa khác, với mục tiêu “vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo chất lượng giáo dục”.

Từ những khó khăn ban đầu của cách học mới, ngành giáo dục đã nhận được sự đồng hành của gia đình và xã hội để cùng chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước “tất cả vì tương lai con em chúng ta!”.

* Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thanh Nhuận: Trong năm 2022, ngành giáo dục sẽ rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh; Xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Triển khai đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN