Năm 2020 là một năm rất đặc biệt của ngành giáo dục với thời gian nghỉ học dài kỷ lục và lần đầu tiên học sinh phổ thông phải học trực tuyến. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ngành GD- ĐT Vĩnh Long vẫn tiếp tục gặt hái những "quả ngọt" với chất lượng không ngừng được nâng cao.
Trường chuẩn quốc gia tạo điều kiện cho giảng dạy và học tập tốt hơn. |
Năm 2020 là một năm rất đặc biệt của ngành giáo dục với thời gian nghỉ học dài kỷ lục và lần đầu tiên học sinh phổ thông phải học trực tuyến. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ngành GD- ĐT Vĩnh Long vẫn tiếp tục gặt hái những “quả ngọt” với chất lượng không ngừng được nâng cao.
“Quả ngọt”
Nhìn lại năm 2020 mà rộng ra là giai đoạn 5 năm (2015- 2020) ngành GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Chất lượng dạy và học nâng lên rõ nét, tạo nên diện mạo mới cho ngành giáo dục tỉnh nhà.
Đặc biệt, trong các kỳ thi THPT, tỉnh Vĩnh Long liên tục đứng thứ hạng cao của cả nước về điểm trung bình các môn thi. Điển hình tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, Vĩnh Long tiếp tục đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn Sinh học. Riêng năm 2020, xếp hạng trung bình điểm thi của cả nước Vĩnh Long đứng thứ 12, tăng 3 hạng so với cùng kỳ.
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được quan tâm chỉ đạo. Kết quả phổ cập giáo dục được duy trì và phát triển. Đến nay, 100% xã- phường- thị trấn đạt phổ cập giáo dục mức 2 trở lên. Nhờ đó, cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.
Cô Thạch Thị Khel- giáo viên dạy Ngữ văn Khmer tại Trường Tiểu học Thạch Thia (Tam Bình)- đã đi dạy gần 35 năm. Nhớ về thời lớp học tạm bợ, nhiều trẻ em nghỉ học, không chịu tới trường, cô Khel nói: “Bây giờ, Trường Tiểu học Thạch Thia được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất khang trang hiện đại. Giáo viên chúng tôi có điều kiện giảng dạy tốt hơn. Nhiều năm rồi không có học sinh bỏ học”.
Trường Tiểu học Thạch Thia được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất khang trang hiện đại. |
Bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Tất cả các trường đều có sự thay đổi về môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học. Đặc biệt là môi trường phát triển vận động cho trẻ. Khi tổ chức các hoạt động, giáo viên đã chú ý chọn các hoạt động gần gũi, thiết thực với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, giúp trẻ vừa nhận biết được thế giới xung quanh vừa phát huy được các kỹ năng giao tiếp cơ bản, trẻ năng động tự tin.
Đến nay, mạng lưới trường mầm non, mẫu giáo đã phát triển rộng khắp 107 xã- phường- thị trấn, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Cô Trương Thị Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Thuận (Bình Tân)- cho biết: “Nhận thức của các bậc phụ huynh ở các vùng nông thôn đã có sự chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp hàng năm đều tăng. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non tốt sẽ có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục ở các bậc học tiếp theo”.
Không ngừng nâng chất lượng
Thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung dạy và học ở các cấp học, bậc học theo hướng hiện đại và thiết thực. Nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên ngành GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các địa phương. Ông Trịnh Thanh Sơn- Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Bình- cho biết: “5 năm qua, huyện Tam Bình có nhiều khởi sắc. Số giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học theo quy định, đội ngũ giáo viên ngày càng nâng về chất lượng, số lượng. Năm học vừa qua, tỷ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp đạt trên 80%”.
Các cấp học đều được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long dự lễ khánh thành Trường Mầm non Tân Hạnh (Long Hồ). |
Thành quả của ngành GD-ĐT còn gắn liền với sự trưởng thành của đội ngũ thầy cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Đây là nguồn lực quan trọng quyết định sự thành bại của giáo dục, bởi “thầy giỏi thì mới có trò giỏi”.
Đến nay, toàn ngành giáo dục có 15.578 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên. Số lượng đạt chuẩn là 14.412 người, chiếm 99,91%, so với đầu nhiệm kỳ tăng 0,06%. Tỷ lệ trên chuẩn chiếm 73,53%, so với đầu nhiệm kỳ tăng 4,47%. Hầu hết các giáo viên đều có lòng yêu nghề và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác giảng dạy.
Điều kiện học tập của học sinh ngày một đầy đủ, hiện đại hơn. |
Bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới: “Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp mầm non, phổ thông gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; xây dựng xã hội học tập. Song song đó, rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm. Xây dựng lộ trình và thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019”.
Tuy nhiên, ngành GD- ĐT Vĩnh Long vẫn còn phải đầu tư cơ sở vật chất cho một số trường còn thiếu, nâng chất giáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học. Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, tin rằng ngành giáo dục sẽ phấn đấu hơn nữa để chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, xứng đáng với sự chăm lo của toàn xã hội.
Hệ thống giáo dục phổ thông không ngừng phát triển. 100% xã- phường- thị trấn trên địa bàn đều có trường tiểu học, THCS và THPT. Tổng số vốn đầu tư cho chương trình kiên cố hóa trường lớp hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhờ vậy, đa số các trường trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn ngày càng khang trang. Toàn tỉnh hiện có 428 trường mầm non, phổ thông, trong đó, đạt chuẩn quốc gia là 243/412 trường, chiếm 56,8%. |
Bài, ảnh: CAO THỤY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin