Thế hệ trẻ hôm nay là tương lai của đất nước mai sau. Giáo dục lý tưởng sống, niềm tin vào cuộc sống tương lai cho các em là yêu cầu bức thiết đặt ra. Trường học là nơi để các em chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết bước vào cuộc sống mới, tốt đẹp hơn.
Thế hệ trẻ hôm nay là tương lai của đất nước mai sau. Giáo dục lý tưởng sống, niềm tin vào cuộc sống tương lai cho các em là yêu cầu bức thiết đặt ra. Trường học là nơi để các em chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết bước vào cuộc sống mới, tốt đẹp hơn.
Song, hiện nay môi trường học tập ngày bị “ô nhiễm”; nạn bạo hành học đường ở nhiều nơi, không chỉ các trường học ở thành thị mà kể cả trường ở vùng nông thôn đang diễn ra ngày càng nhiều.
Đâu là nguyên nhân?
Theo cô Lê Kim Chi- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thới Hòa: “Nạn bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân. Gia đình là yếu tố quan trọng đến việc hình thành nhân cách cho trẻ, nhưng trong nhiều trường hợp gia đình do chạy theo cuộc sống nên ít quan tâm giáo dục các em đến nơi đến chốn.
Khi đó, trẻ tiếp xúc với môi trường xã hội “đa chiều” mà ít được hướng dẫn nên những yếu tố tiêu cực dễ dàng xâm nhập. Đặc biệt, tôi cho rằng game bạo lực tác động ghê gớm đến hình thành nhân cách cho trẻ”…
Cùng với ý kiến trên, thầy Lê Văn Dũng- Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Xuân Hiệp cho biết thêm: “Việc học sinh đánh nhau đã diễn ra thường xuyên, đến mức báo động. Ở đơn vị, có khi mỗi tháng đều có một vụ đánh nhau. Khi học sinh trong trường có mâu thuẫn thì nhờ bên ngoài giải quyết. Môi trường học tập ở nhiều nơi hình như có dấu hiệu thiếu an toàn”.
Nhận thức về nạn bạo lực học đường, Thạc sĩ Bùi Văn Lượm- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý- giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã khái quát: “Bạo lực học đường chung quy, hội tụ vào 2 yếu tố chính: nguyên nhân do từ chủ thể, chủ quan, nội lực và nguyên nhân khách thể, khách quan, ngoại lực tác động”.
Ông giải thích: “Về chủ thể, có thể nói sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi trong giai đoạn biến đổi thất thường. Về khách thể, một số tác nhân tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh như phim ảnh bạo lực, các trò chơi (game) không lành mạnh…”
Giáo sư Phạm Minh Hạc- Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý- giáo dục Việt Nam thì nhấn mạnh vào yếu tố giáo dục ở trường học: Các vụ bạo lực học đường gia tăng là hệ lụy của việc dạy người chưa được quan tâm thích đáng.
Để trường học an toàn hơn!
Có nhiều ý kiến về giải pháp để trường học an toàn hơn, tạo điều kiện tốt để các em học tập và chia sẻ những ước mơ. PGS Văn Như Cương- Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) thì cho rằng: “Nhân đạo với 1- 2 học sinh hư là không nhân đạo với tất cả học sinh còn lại”.
Ông lý giải thêm: Khi các em vi phạm đánh nhau với bạn nếu chỉ với cách trừng phạt, kỷ luật (như hạ hạnh kiểm) thì không thể có tác dụng ngăn ngừa giáo dục học sinh. Do đó, cần phải trừng phạt các em thật nặng mới có tác dụng.
Còn như thầy Trần Tuấn Anh- Trường THCS Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh) thì phương pháp dạy giáo dục công dân sinh động của mình như là một liều thuốc hữu hiệu để khơi dậy “tính thiện” trong mỗi con người, giúp các em học sinh sống chan hòa, tràn đầy tình yêu thương và sự sẻ chia.
Để làm được điều này, GS Phạm Minh Hạc cho rằng: Nhà trường cần thay đổi (dạy chữ, dạy nghề phải hài hòa với việc dạy người), các thầy cô là tấm gương tốt sẽ trở thành một phương pháp giáo dục rất hữu hiệu.
Đồng thời, gia đình phải kết hợp tốt với nhà trường, nhận thức rõ trách nhiệm của cha mẹ trong giáo dục con em mình, các em có trách nhiệm với bản thân, bằng cách tự rèn luyện, nhất là đạo đức, nếu không sẽ dẫn tới hậu quả khó lường.
Theo ý kiến của nhiều học sinh mà chúng tôi đã thu thập: Ở nhà trường, cần thường xuyên tổ chức nhiều sân chơi cho nhiều học sinh cùng tham gia. Đối với những học sinh có biểu hiện chưa tốt, thầy cô nên gần gũi động viên thay cho những lời trách mắng, khiến các em đi vào ngõ cụt. Với đặc điểm tâm sinh lý bất thường, các em rất cần được tư vấn tâm lý nhưng không được chia sẻ cùng ai. Cần lắm những diễn đàn để lắng nghe và chia sẻ cùng các em.
Ở trường học, việc tham quan thực tế thường tổ chức cho học sinh giỏi, còn các em chưa ngoan thì thường bị đẩy ra ngoài cuộc. Tại sao, chúng ta không để tất cả cùng tham gia? Qua tham quan thực tế cuộc sống ở viện mồ côi, khuyết tật sẽ dễ dàng tác động đến ý thức của các em, khơi dậy trong các em lòng trắc ẩn, trở thành người tốt.
Những suy nghĩ của các em và những biện pháp giáo dục của những người trong cuộc đã đưa ra và rất cần tiếng nói của mỗi người; đặc biệt là các cơ quan hữu trách cần có diễn đàn rộng rãi để mọi người cùng tham gia đóng góp ý kiến, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho việc học tập của các em.
TRẦN THÀNH TRUNG (Trà Ôn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin