Mỗi trường đại học là một cơ sở nghiên cứu khoa học

Cập nhật, 05:03, Thứ Tư, 09/12/2015 (GMT+7)

Nghiên cứu khoa học (NCKH) không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu cũng không dừng lại ở cán bộ giảng viên mà NCKH cần được nhân rộng ra toàn trường. Với nguồn nhân lực có trình độ cao, các trường ĐH đang cố gắng nâng cao vai trò NCKH để mỗi trường là một cơ sở nghiên cứu.

Nghiên cứu khoa học bắt đầu phát triển trong sinh viên Vĩnh Long.
Nghiên cứu khoa học bắt đầu phát triển trong sinh viên Vĩnh Long.

Nghiên cứu khoa học, tiêu chí phân loại trường ĐH

Xác định NCKH là một trong những việc trọng tâm, mỗi trường ĐH đều có hẳn một phòng làm nhiệm vụ này. Trường ĐH Cửu Long có Phòng Quản lý khoa học, sau ĐH và Hợp tác quốc tế; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có Phòng NCKH- Hợp tác quốc tế; Trường ĐH Xây dựng Miền Tây có Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế; Trường ĐH Cần Thơ có Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ, Viện Nghiên cứu ĐBSCL,…

Đi đầu trong lĩnh vực NCKH khu vực là Trường ĐH Cần Thơ. Trường có 8 giáo sư và 93 phó giáo sư, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần cho hoạt động NCKH. Chỉ tính riêng năm 2014, trường có 254 đề tài NCKH trong nước.

Hoạt động khoa học công nghệ cũng được đẩy mạnh theo hướng ký kết hợp tác toàn diện với nhiều địa phương. Năm 2015 này, trường tiếp tục đẩy mạnh ký kết hỗ trợ một số địa phương trong vùng xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp và Bến Tre theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị nông sản của vùng.

Trong năm học vừa qua, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long có 15 đề tài NCKH cấp trường, nhiều đề tài của giảng viên, sinh viên. TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng cho biết: “Để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường chủ trương đẩy mạnh công tác NCKH”.

Việc đẩy mạnh NCKH cũng được Trường ĐH Cửu Long đặc biệt quan tâm. TS. Bùi Hữu Thuận- Trưởng Khoa Nông nghiệp cho biết: “Bộ GD- ĐT đã có đề án phân cấp trường ĐH. Theo đó, NCKH là một tiêu chí quan trọng để xếp loại các trường thành trường ĐH nghiên cứu và trường ĐH không nghiên cứu”.

Năm 2015, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây phê duyệt 13 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của giảng viên. Trong đó, có đề tài có tính ứng dụng cao như: Ứng dụng công nghệ hút chân không trong xử lý nền đường TP Vĩnh Long; Sáng kiến để nâng cao chất lượng đào tạo,..

Phát triển số và chất

Việc đẩy mạnh phong trào NCKH trong trường ĐH không chỉ dừng lại ở cán bộ, giảng viên mà sinh viên cũng tham gia.

Giảng viên phải là người hướng dẫn, khơi nguồn đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Giảng viên phải là người hướng dẫn, khơi nguồn đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Trước đây, thầy Nguyễn Hữu Thọ- giảng viên Khoa Điện- Điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã nghiên cứu thành công hệ thống chuông tự động để cung cấp cho các trường phổ thông trong tỉnh. Chưa hài lòng với chính mình vì “bỏ quên tiếng trống trường”, thầy Thọ đã sáng chế ra “Robot đánh trống”.

Đầu năm 2014, thầy Thọ bắt đầu nghiên cứu để chế tạo ra robot đánh trống trường tự động. Cuối năm 2014, robot đầu tiên được chế tạo thành công với chiều cao 1,6m gồm: 2 chân, thân, đầu, bộ phận điện, động cơ chuyển động, tay đánh trống…

Nguyên lý hoạt động của robot, bộ phận điện đã lập trình sẵn điều khiển phần động cơ bên trong giúp cánh tay robot cầm dùi đánh vào bề mặt trống. Robot có thể đánh 3 tiếng hoặc 1 hồi dài tùy theo việc cài đặt.

Trường ĐH Cửu Long cho rằng: NCKH là một trong những hoạt động quan trọng nhất của sinh viên ở các trường ĐH, tăng cường các hoạt động NCKH trong sinh viên sẽ nâng cao chất lượng GD-ĐT sẽ giúp các sinh viên có phương pháp học tập chủ động và tích cực hơn, điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả đầu ra trong quá trình đào tạo tại các trường.

Ths. Nguyễn Cao Đạt cho rằng: “Sinh viên năm nhất làm quen với các bài học mới, năm 2 làm quen với bài tập lớn và vận dụng kiến thức, năm 3 bắt đầu nghiên cứu và năm cuối đi sâu vào thực tiễn”. Có 8 đề tài NCKH của sinh viên ĐH Cửu Long được triển khai trong năm 2015. Trong đó, nhiều đề tài sát thực tế, đã được ứng dụng: Tính toán và mô phỏng máy phun thuốc lúa tự hành, Những vấn đề sinh viên chuyên ngữ mắc phải trong việc học viết Tiếng Anh tại Trường ĐH Cửu Long và các giải pháp khắc phục, Quản lý côn trùng gây hại bằng “Công nghệ sinh thái” trong mô hình sản xuất lúa bền vững tại xã nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Long,…

Có thể nói, NCKH không chỉ là nhiệm vụ mà còn là giải pháp để nâng cao tính sáng tạo của giảng viên, sinh viên mà qua đó, các trường ĐH sẽ nâng cao vị trí, thương hiệu của mình.

Trong bài phát biểu khai giảng năm học mới 2015- 2016 tại Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long lưu ý: “Chúng ta đang yếu về khâu NCKH, do đó cần đẩy mạnh công tác này trong giảng viên, cán bộ quản lý. Đồng thời, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, tiếp cận với nền giáo dục hiện đại và có điều kiện nghiên cứu sau ĐH”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN